Thảo dược từ lâu đã được sử dụng để chữa nhiều bệnh, trong đó có các bệnh ngoài da mạn tính. Nhiều người thắc mắc: Cách dùng cây vòi voi chữa vảy nến hiệu quả ra sao và có thể sử dụng những loại cây gì khác để cải thiện tình trạng bệnh? Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính và chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Thông thường, tế bào da mất khoảng 28 – 30 ngày để hình thành, sau đó nâng dần lên bề mặt da, chết đi và rơi ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công các tế bào da và đẩy nhanh quá trình trên lên 10 lần, thời gian từ hình thành đến chết đi rồi tiến lên bề mặt da chỉ diễn ra trong 3 – 4 ngày. Các tế bào da hình thành liên tục, chết đi và xếp chồng lên nhau nhưng không thể rơi ra khỏi cơ thể sẽ tạo thành những mảng bám đỏ, sưng viêm và bong tróc vảy.

78.jpg

Hình ảnh bệnh vảy nến

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến chưa được tìm ra chính xác nhưng thông qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm, các chuyên gia tin rằng, nó có liên quan đến hệ miễn dịch suy yếu như đã phân tích ở trên và các yếu tố nguy cơ từ môi trường, bao gồm:

- Thời tiết lạnh, khô;

- Hút thuốc lá;

- Béo phì, thừa cân;

- Lười vận động;

- Uống nhiều rượu, bia;

- Stress kéo dài;

- Tổn thương da;

- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống sốt rét, hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim,…

Cách sử dụng cây vòi voi chữa vảy nến

Theo thông tin trong sách “Những cây thuốc quý và vị thuốc Việt Nam” của cố GS Đỗ Tất Lợi, cây vòi voi có 2 tác dụng chính là chống viêm và giảm đau. Đây là cây có vị đắng nhẹ, tính thanh mát, việc sử dụng cây vòi voi sẽ cho tác dụng rất tốt trong chống viêm ở các bệnh có tổn thương ngoài da như vảy nến.

Trong dân gian đã có nhiều bài thuốc chữa vảy nến từ cây vòi voi. Bạn cần chuẩn bị: 300g cây vòi voi tươi, 200g quả ké. Tất cả nguyên liệu rửa thật sạch, sau đó cho vào trong nồi cùng với 5 lít nước sạch. Đun sôi lên rồi dùng nước đó tắm thật sạch, mỗi ngày tắm khoảng 2 lần. Áp dụng cách này liên tục trong khoảng 1 – 2 tuần là bạn đã thấy có hiệu quả tích cực.

Tuy cây vòi voi là một dược liệu quý và có tác dụng trong chữa trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Nhưng cây vòi voi chứa độc tố ở bên trong có thể ảnh hưởng không tốt đối với cơ thể nếu sử dụng quá nhiều và liên tục trong thời gian dài. Do đó, khi sử dụng cây vòi voi chữa vảy nến, bạn nên chú ý tới liều lượng và dùng thận trọng. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để mang lại hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn. Một số lưu ý khi dùng cây vòi voi chữa vảy nến bao gồm:

- Nên chọn những cây vòi voi xanh tốt, mọc ở những nơi tự nhiên. Tránh chọn cây mọc ở những nơi hay phun thuốc trừ sâu. Điều này có thể khiến độc tố của cây tăng lên gấp bội.

- Chỉ nên sử dụng lá để chữa bệnh, tránh dùng rễ cây và hoa của cây vòi voi bởi độc tính chủ yếu nằm ở đó.

- Không dùng cây vòi voi để chữa bệnh cho trẻ nhỏ, người già hoặc người đang bị mắc bệnh về gan và thận.

- Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại cây này.

Chữa vảy nến bằng các loại thảo dược sẵn có

Việc áp dụng các biện pháp điều trị vảy nến tự nhiên có thể hiệu quả đối với một số người khi được sử dụng kết hợp với các lựa chọn điều trị truyền thống. Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên phổ biến giúp điều trị bệnh vảy nến cho bạn:

- Nha đam: Theo một số nghiên cứu, nha đam đã được chứng minh là giúp giảm đỏ và vảy da liên quan đến bệnh vảy nến. Hãy tìm loại kem có chứa 0,5% nha đam và thoa lên da 3 – 4 lần/ngày.

- Giấm táo: Giấm táo có thể được sử dụng để giúp giảm ngứa da đầu khi bị bệnh vảy nến. Hãy pha loãng giấm nếu bạn gặp bất kỳ cảm giác nóng rát nào. Hơn nữa, bạn nên rửa sạch da khi dung dịch giấm táo đã khô để ngăn ngừa kích ứng. Tránh sử dụng loại giấm này nếu bạn có vết thương hở, da bị nứt hoặc chảy máu.

- Capsaicin: Đây là thành phần trong ớt làm cho chúng có vị cay. Khi được thêm vào kem và thuốc mỡ, capsaicin có thể chặn các đầu dây thần kinh truyền tín hiệu đau. Capsaicin cũng có thể giúp giảm viêm, đỏ và vảy liên quan đến bệnh vảy nến.

- Yến mạch: Mặc dù không có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc sử dụng yến mạch làm giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh vảy nến, nhưng một số người báo cáo rằng, tình trạng ngứa và đỏ da do vảy nến đã giảm khi họ bôi bột yến mạch hoặc tắm trong nước pha bột yến mạch.

- Dầu cây chè có nguồn gốc từ Úc, được cho là có chất khử trùng và được áp dụng cho da. Một số người báo cáo, khi sử dụng dầu gội với dầu cây trà đã giúp làm giảm bệnh vảy nến da đầu của họ.

- Nghệ: Củ nghệ có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Curcumin, thành phần hoạt chất trong củ nghệ, có thể làm thay đổi biểu hiện gen. Nghiên cứu đã tìm thấy khả năng thay đổi biểu hiện cytokine TNF trong nghệ, điều này giúp giảm triệu chứng bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến ở một số người. Bạn có thể sử dụng nghệ ở dạng thuốc hoặc dạng bổ sung.