Vảy nến là bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến khoảng 2 – 3% dân số thế giới. Triệu chứng của bệnh vảy nến là những tổn thương da đỏ, sưng viêm và bong tróc vảy trắng hoặc bạc. Một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm vảy nến là do strees, căng thẳng kéo dài. Vậy, tại sao stress lại làm trầm trọng thêm triệu chứng vảy nến? Cách giảm stress như thế nào? Hãy tham khảo trong bài viết sau!

Vảy nến là bệnh gì? Triệu chứng bệnh vảy nến

Vảy nến (vẩy nến) là bệnh tự miễn mạn tính, gây ra những tổn thương da đỏ, sưng viêm và bong vảy. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng đến móng, xương khớp.

Thông thường, mọi người lầm tưởng vảy nến chỉ gây đỏ da, sưng viêm nhưng không phải như vậy, bệnh có nhiều loại với nhiều triệu chứng khác nhau. Chúng bao gồm:

- Vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám): Đây là loại phổ biến nhất với 80% người mắc. Bệnh gây ra các tổn thương sưng đỏ, viêm, bong vảy và thường xuất hiện ở khuỷu tay, da đầu, đầu gối.

- Vảy nến thể giọt: Tổn thương loại này thường xuất hiện ở cánh tay, chân hoặc lan ra toàn thân với các chấm nhỏ màu đỏ như giọt nước và có vảy trắng.

- Vảy nến thể mủ: Bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân sẽ có các mụn đầu mủ trắng. Nếu không cẩn thận, mụn vỡ ra có thể gây bội nhiễm, rất nguy hiểm.

- Vảy nến đảo ngược: Bệnh gây ra tổn thương đỏ tươi, đau rát ở nách, háng, sau gối, dưới ngực. Triệu chứng bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu bị cọ xát hoặc thấm mồ hôi. Do đó, bạn nên mặc quần áo rộng rãi và thấm hút mồ hôi tốt.

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Tình trạng này khiến cho toàn thân đỏ rực như tôm luộc và có lớp vảy trắng bao phủ. Đây là loại bệnh nguy hiểm, người mắc cần thận trọng.

- Vảy nến thể móng: Móng tay, chân có thể sần sùi, biến dạng và đổi màu.

- Vảy nến thể khớp (viêm khớp vảy nến): Khớp có thể sưng đau và tấy đỏ.

Stress và vảy nến có mối quan hệ gì?

Stress kéo dài là một trong những yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến. Stress và vảy nến là một vòng luẩn quẩn - căng thẳng có thể khiến bệnh vảy nến bùng phát và bùng phát lại có xu hướng gây ra căng thẳng nhiều hơn.

Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được mối liên quan giữa bệnh vảy nến và sự căng thẳng. Nó có thể thông qua hệ thống miễn dịch. Một số người mắc bệnh vảy nến lần đầu tiên khởi phát bệnh trong thời điểm bị căng thẳng.

Vậy, tại sao bệnh vảy nến gây stress, căng thẳng?

- Sự kỳ thị: Sống với bệnh vảy nến có thể khiến bạn tự ti và xấu hổ. Bất kỳ khía cạnh nào của xã hội đều có thể gây căng thẳng, từ việc hẹn hò đến bắt tay ai đó.

- Tài chính: Điều trị bệnh vảy nến có thể tốn kém. Đây là áp lực cho không ít gia đình.

- Đau đớn: Bệnh vảy nến có thể gây ra đau mạn tính, làm tăng thêm mức độ căng thẳng liên tục trong cuộc sống. Đôi khi, cơn đau có thể khiến việc sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn, đặc biệt là nếu bị viêm khớp vảy nến.

- Điều trị: Một số phương pháp điều trị không hiệu quả có thể dẫn đến căng thẳng. Các phương pháp điều trị khác có thể chiếm rất nhiều thời gian, như trị liệu bằng ánh sáng 3 lần/tuần trong 1 năm. Điều này khiến bạn đau đầu khi sắp xếp thời gian cho công việc, gia đình để tham gia trị liệu. Ngoài ra, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị cũng khiến không ít người stress.

- Cuộc sống với một tình trạng mạn tính: Bệnh vảy nến có thể làm bạn mệt mỏi khi lo lắng về tương lai.

5 biện pháp giảm stress giúp cải thiện triệu chứng của bệnh vảy nến

Giảm căng thẳng sẽ giúp bạn cải thiện tốt bệnh vảy nến. Dưới đây là 5 gợi ý hữu ích dành cho bạn:

Dành thời gian tập thể dục

Tập thể giúp giảm căng thẳng bởi nó giải phóng endorphin - hormone vui vẻ vào máu của bạn. Tập thể chất sẽ không hoàn toàn giúp điều trị các mảng vảy nến nhưng nó sẽ khiến bạn tập trung vào các khía cạnh sức khỏe. Bạn sẽ bớt căng thẳng khi cảm thấy tự chủ hơn. Đừng quá lo lắng vì người xung quanh sẽ ít đánh giá về tình trạng của bạn hơn những gì bạn sợ hãi.

Tham gia vào một nhóm hỗ trợ

Nhiều người mắc bệnh vảy nến thấy rằng, việc tham gia vào một nhóm hỗ trợ giúp họ giảm căng thẳng. Chia sẻ kinh nghiệm và cách đối phó với bệnh vảy nến thông qua những người bạn gặp trực tiếp hoặc thông qua mạng xã hội sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều.

Thiền hoặc tập yoga

Thiền ít nhất 15 phút mỗi ngày là cách thư giãn để giảm căng thẳng và cải thiện bệnh vảy nến. Một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Y tế - Đại học Massachusetts ở Worcester đã phát hiện ra rằng, các mảng vảy nến đã loại bỏ nhanh hơn khi mọi người nghe nhạc thiền trong khi đang điều trị bằng liệu pháp quang hóa. Yoga cũng có thể mang lại lợi ích cho người bị vảy nến.

Xác định yếu tố gây căng thẳng của bạn

Bạn không thể phá vỡ mối liên quan giữa căng thẳng và bệnh vảy nến cho đến khi biết tất cả các yếu tố làm bạn bị căng thẳng. Hãy ghi chép những điều khiến bạn chán nản, stress và học cách quản lý chúng. Nếu sự lo lắng của bạn liên quan đến bệnh vảy nến hoặc phương pháp điều trị, hãy nói chuyện với bác sĩ da liễu về những cách điều trị khác.

Làm những gì khiến mình thấy vui vẻ

Dắt chó đi dạo quanh khu phố, chạy bộ, nghe nhạc, chơi piano, đọc một cuốn sách hay tạp chí hay xem một bộ phim yêu thích giúp giảm căng thẳng và kéo tâm trí của bạn khỏi bệnh vảy nến. Điều này thực sự hữu ích.