Với biểu hiện đặc trưng là tình trạng ngứa ngáy, bong tróc da liên tục, bệnh vảy nến không chỉ khiến người mắc cảm thấy đau đớn, khó chịu mà còn gây mất thẩm mỹ, khiến họ mất tự tin khi tiếp xúc với những người xung quanh. Vậy phải làm sao để ngăn ngừa tình trạng này hiệu quả? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi này!

Vảy nến là bệnh gì? Hình thành do đâu?

Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính, có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Theo thống kê, có khoảng 2 - 3% dân số thế giới gặp phải bệnh lý này, tỷ lệ mắc giữa nam và nữ tương đương nhau.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vảy nến hình thành là do sự suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, kết hợp với các yếu tố nguy cơ từ môi trường. Bình thường, hệ miễn dịch đảm nhận vai trò bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus. Nhưng trong trường hợp này, chúng lại nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào da khỏe mạnh và tạo ra phản ứng phá hủy, tấn công chúng. Điều này làm đảo lộn chu trình sống của các tế bào này, thay vì 28 – 30 ngày như bình thường mà chỉ kéo dài đến 3 – 4 ngày. Do thời gian chết đi quá nhanh khiến chúng không kịp bong tróc ra mà tích tụ lại, xếp chồng lên nhau, và hình thành những mảng tổn thương sưng viêm, tấy đỏ, bong tróc vảy trắng liên tục. Khi kết hợp với những yếu tố sau đây, có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển tồi tệ hơn: Tổn thương da nghiêm trọng, uống quá nhiều rượu, bia, hút thuốc lá, căng thẳng, lo âu thường xuyên, tác dụng phụ của một số thuốc,...

Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến cơ thể ra sao?

Với những biểu hiện mà bệnh vảy nến gây ra, chúng đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người mắc. Cụ thể như sau:

Làn da bị tổn thương nặng nề

Bệnh gây nên thương tổn đặc trưng là những mảng da tấy đỏ, sưng viêm, có vảy trắng li ti phủ trên bề mặt, xếp chồng lên nhau và bong tróc thường xuyên. Những đám sưng đỏ này có rất nhiều hình dạng, kích thước khác nhau với đường kính từ 1- 20 cm, xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể, đặc biệt là những nếp gấp da như: Khuỷu tay, đầu gối, viền tóc,... là vị trí dễ xuất hiện nhất. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể lan rộng khắp cơ thể và gây nhiễm khuẩn thứ phát.

Vảy nến gây tổn thương móng

Theo thống kê, có tới 40% trường hợp bị vảy nến sẽ gặp phải tổn thương trên móng tay, móng chân. Trong trường hợp này, móng sẽ bị dày sừng, ngả màu vàng đục, đồng thời xuất hiện các nốt lỗ chỗ trên bề mặt, dễ gãy, vỡ, có khi mất móng. Điều này không chỉ mất thẩm mỹ mà còn khiến người mắc đau đớn, khó chịu.

Khớp bị ảnh hưởng

Trên thực tế, tỷ lệ mắc viêm khớp sau khi bị vảy nến chiếm trên 80% (tùy thể bệnh). Biểu hiện đặc trưng là: Sưng đau, cứng khớp, lệch khớp, nhất là vào buổi sáng khi mới thức dậy, khiến người mắc không thể cử động, di chuyển như bình thường. Hầu hết các trường hợp xuất hiện tổn thương trên khớp ngón tay, ngón chân, đầu gối, có khi cả cột sống.

Cách ngăn ngừa tình trạng bong tróc da, ngứa ngáy khi bị vảy nến

Trên thực tế, hiện nay, chưa có cách điều trị vảy nến khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng bởi nếu khắc phục đúng cách, các triệu chứng như bong tróc da, ngứa ngáy sẽ được kiểm soát tốt và ít tái phát. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích, bạn có thể tham khảo áp dụng ngay:

Hạn chế tổn thương da

Qua nhiều trường hợp cụ thể, người ta thấy rằng, da bị tổn thương bởi một tác nhân nào đó (trầy xước, cháy nắng,...) có thể khiến các triệu chứng của bệnh vảy nến bùng phát. Bởi vậy, hãy hạn chế tối đa các chấn thương, đồng thời có biện pháp bảo vệ da khi ra ngoài, như: Mặc quần áo dài tay, đeo găng, đội mũ, thoa kem chống nắng, tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh,...

Tránh nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn (đường hô hấp, tiêu hóa,...) cũng được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh vảy nến, bởi điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh. Bởi vậy, mỗi người cần chú ý ngăn ngừa viêm nhiễm trên cơ thể bằng cách: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, ăn chín - uống sôi,...

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Thực phẩm đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình kiểm soát bệnh vảy nến, bởi, trong khi một số loại có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng tiến triển thì một số khác lại khiến phản ứng viêm trong cơ thể diễn ra mạnh mẽ hơn. Vì vậy, các thực phẩm bạn nên bổ sung thường xuyên là: Cá trích, cá ngừ, rau bina, cải xoăn, hạt hạnh nhân, hạt óc chó,... Ngoài ra, bạn nên tránh: Thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo, đồ chế biến sẵn, trứng, sữa,...

Giảm căng thẳng

Theo nghiên cứu, tình trạng lo âu, căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ miễn dịch của cơ thể, kích thích phản ứng viêm xảy ra nhiều hơn. Do vậy, khi mắc vảy nến, bạn cần kiểm soát tốt tâm trạng, nghỉ ngơi hợp lý nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển tồi tệ hơn, với các phương pháp như: Thiền, yoga, hay đơn giản là nghe nhạc hoặc đọc một vài cuốn sách.