Triệu chứng bệnh vảy nến mụn mủ

Khi bị vảy nến mụn mủ, trên da sẽ xuất hiện các đốm mụn có đầu mủ trắng trên lớp da màu đỏ. Tùy thuộc vào vị trí của tổn thương, có thể chia bệnh vảy nến mụn mủ thành các loại như sau:

- Vảy nến mụn mủ ở lòng bàn tay, bàn chân: Những mụn này xuất hiện trên các mảng da đỏ, sau đó chuyển sang màu nâu, bong ra và tạo thành một lớp vảy. Bệnh có thể tái phát nhiều lần trong đời và khiến người mắc mệt mỏi, tự ti.

- Bệnh vảy nến Von Zumbusch (bệnh vảy nến tổng quát cấp tính) bắt đầu với những vùng da đỏ, gây đau đớn. Mụn mủ thường xuất hiện đột ngột và khô sau 2 – 3 ngày. Các đợt tái phát vảy nến Von Zumbusch có thể xuất hiện không báo trước, khiến người mắc lo lắng, mệt mỏi. Đây là loại vảy nến mủ nguy hiểm với các triệu chứng: Ngứa dữ dội, sốt, nhịp tim nhanh, yếu cơ, thiếu máu, ớn lạnh, mất nước. Người mắc cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như: Rụng tóc, nhiễm khuẩn thứ cấp, tổn thương gan, thậm chí suy tim.

- Vảy nến thể mủ ở ngón tay, ngón chân: Đây là một dạng vảy nến hiếm gặp, gây ra các mụn mủ ở ngón tay, ngón chân rất đau đớn. Bệnh có thể gây biến dạng móng chân, xương và ngón tay.

vay-nen-the-mu.jpg

Hình ảnh da bị vảy nến thể mủ

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến mủ

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến nói chung và vảy nến mủ nói riêng chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, nó có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch. Khi bị vảy nến, hệ miễn dịch tấn công làn da của chính bạn thay vì tấn công các thành phần ngoại lai như virus, vi khuẩn. Điều này khiến da hình thành các tổn thương đỏ, đau rát và có vảy trắng.

Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến mủ bao gồm:

- Sử dụng các loại thuốc, chẳng hạn như steroid.

- Da bị kích ứng do các loại kem bôi hoặc sản phẩm chăm sóc da.

- Da bị cháy nắng.

- Hút thuốc lá.

- Uống quá nhiều rượu, bia.

- Stress kéo dài.

- Mang thai.

- Nhiễm trùng.

- Đột biến hoặc thay đổi ở một trong hai gen cụ thể (IL36RN hoặc CARD14) cũng có thể khiến bạn dễ bị vảy nến mủ.

Cách điều trị vảy nến thể mủ

Vảy nến mủ được đánh giá là lành tính, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh có thể gây nguy hại cho sức khỏe người mắc nếu không được điều trị sớm.

Vảy nến là bệnh chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc có thể áp dụng các biện pháp sử dụng thuốc, quang hóa trị liệu, kết hợp với thay đổi lối sống để cải thiện triệu chứng hiệu quả. Tuy nhiên, khi bị vảy nến mủ, việc áp dụng quang hóa trị liệu là không nên bởi rất có thể gây bỏng da, ung thư da.

- Điều trị tại chỗ: Đây là phương pháp sử dụng corticosteroid, dẫn xuất vitamin D-3, hắc ín, anthralin hoặc retinoids thoa trực tiếp lên tổn thương da vảy nến. Tùy vào cơ địa mỗi người mà các loại thuốc có tác dụng khác nhau. Đôi khi, những loại thuốc được kết hợp với nhau để mang lại hiệu quả tích cực.

- Sử dụng thuốc toàn thân: Đối với bệnh vảy nến mụn mủ tổng quát, người mắc có thể được chỉ định retinoids ngay từ khi bắt đầu điều trị. Đây là các thuốc ức chế miễn dịch, chống viêm,… giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.

- Điều trị vảy nến bằng quang hóa trị liệu: Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng tia UV hoặc ánh sáng mặt trời chiếu lên tổn thương da do vảy nến. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến khích khi bị vảy nến mụn mủ.

- Người mắc vảy nến nói chung và vảy nến mụn mủ nói riêng cần tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh bằng cách thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh, bao gồm:

+ Quản lý tốt tình trạng stress, căng thẳng: Bạn có thể nghe nhạc, tập thiền, làm vườn,… để giữ tinh thần luôn thoải mái, sảng khoái.

+ Tăng cường vận động, ít nhất 30 phút/ngày với các bài tập từ đơn giản đến phức tạp như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,…

+ Hạn chế sử dụng rượu, bia: Điều này làm giảm nguy cơ gây bệnh vảy nến hiệu quả.

+ Bỏ hoặc không hút thuốc lá.

+ Bảo vệ da khỏi trầy xước, cháy nắng: Làm tốt điều này có thể ngăn ngừa được nguy cơ vảy nến hình thành trên các tổn thương da (hiện tượng Koebner).

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh vảy nến thể mủ. Cần tư vấn thêm về bệnh bạn để lại bình luận bên dưới nhé!