Vảy nến thể mảng là bệnh gì?
Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến khoảng 125 triệu người trên thế giới. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến da nhưng không ít trường hợp còn bị tác động đến móng và khớp.
Vảy nến có nhiều loại khác nhau, trong đó, vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám) là loại phổ biến, ảnh hưởng đến 80% người mắc. Bệnh gây ra các mảng bám tổn thương da màu đỏ, đường kính từ 2 – 20 cm, có viền ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh, trên bề mặt tổn thương có lớp vảy trắng. Bệnh thường xuất hiện tại các vị trí tì đè như: Khuỷu tay, đầu gối, da đầu,… Các vị trí phổ biến khác bao gồm: Bộ phận sinh dục, khe giữa mông, tai và rốn.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mảng
Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến nói chung cũng như vảy nến thể mảng nói riêng chưa được tìm ra chính xác, nhưng dựa vào nghiên cứu thực nghiệm, các chuyên gia tin rằng, nó có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch.
Thông thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công nhầm tế bào biểu bì da, làm tăng sinh mạnh mẽ và rút ngắn thời gian sống của tế bào da. Các tế bào da chết được đẩy lên bề mặt da và tích tụ lại, tạo thành những mảng tổn thương sưng đỏ, bong tróc vảy.
Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ hoặc trầm trọng thêm các triệu chứng vảy nến bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nếu cha hoặc mẹ bị vảy nến thì tỷ lệ con sinh ra mắc bệnh là 8%, còn nếu cả cha mẹ đều bị vảy nến thì con có tỷ lệ mắc bệnh là 41%.
- Lịch sử gia đình bị vảy nến: Nếu có cha, mẹ hoặc anh chị em ruột trong gia đình bị vảy nến thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người khác.
- Stress kéo dài: Điều này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, kích hoạt vảy nến bùng phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
- Sử dụng rượu bia, hút thuốc lá: Đây đều là các thói quen xấu ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vảy nến.
- Chấn thương da: Vảy nến có thể phát triển trên các tổn thương da như trầy xước, vết tiêm, hình xăm,… Hiện tượng này có tên gọi Koebner.
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống sốt rét,… có thể gây nên bệnh vảy nến.
Bệnh vảy nến thể mảng có nguy hiểm không?
Bệnh vảy nến thể mảng tuy lành tính nhưng nếu không được điều trị, nó có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bệnh vảy nến xuất hiện thường xuất hiện ở da và móng, nhưng những bất thường về hệ thống miễn dịch không chỉ gây ra bệnh mà chúng cũng có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng.
Bệnh tim mạch: Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa bệnh vảy nến thể mảng và tình trạng đau tim. Nguy cơ biến chứng tim mạch cao nhất ở những bệnh nhân bị vảy nến nặng phát triển khi còn trẻ. Người bị vảy nến thể mảng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên và đột quỵ. Các nhà nghiên cứu tin rằng, tình trạng viêm là yếu tố liên quan giữa bệnh vảy nến thể mảng với xơ vữa động mạch.
Viêm khớp: Có tới 25% người bệnh vảy nến thể mảng bị viêm khớp. Trong một số trường hợp, viêm khớp có thể xuất hiện trước khi thấy xuất hiện tổn thương da. Viêm khớp vảy nến có thể tấn công các khớp nhỏ của ngón tay, một hoặc hai khớp lớn hơn ở nơi khác trên cơ thể hay cột sống. Đây là một bệnh viêm khớp mạn tính gây đau đớn, nhưng chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và các dạng viêm khớp tự miễn khác là âm tính. Một số người sử dụng các thuốc chống viêm không steroid đã cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả.
Rối loạn tâm lý xã hội: Giống như những bệnh mạn tính khác, vảy nến nói chung và vảy nến thể mảng nói riêng có thể gây ra sự tự ti và phá vỡ các mối quan hệ xã hội, làm giảm năng suất cũng như hiệu quả công việc. Sự khó chịu về thể chất và mệt mỏi kết hợp với nhau làm cho bệnh vảy nến trở nên nghiêm trọng, không thể chữa khỏi.
Các điều kiện khác: Bệnh nhân bị vảy nến thể mảng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh Crohn và hội chứng chuyển hóa - một loạt triệu chứng nguy hiểm liên quan đến huyết áp cao, kháng insulin, béo phì và rối loạn lipid máu.