Vảy nến da đầu là tình trạng khá phổ biến. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây rất nhiều phiền toái đối với người mắc. Vậy cách chữa vảy nến da đầu tại nhà như thế nào? Áp dụng ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất? Nếu bạn đang quan tâm đến nội dung này, hãy dành 5 phút để tìm hiểu thông tin trong bài viết sau.
Triệu chứng bệnh vảy nến da đầu
Vảy nến da đầu khá phổ biến. Thông thường, người bệnh sẽ bị vảy nến ở da đầu, sau đó lan ra các vị trí khác của cơ thể. Một số triệu chứng bệnh vảy nến da đầu bao gồm:
- Các tổn thương hoặc vết sưng trên da đầu.
- Trên tổn thương có các vảy trắng bạc.
- Da đầu khô, bong tróc giống như gàu.
- Viêm hoặc có cảm giác nóng rát.
- Da đầu chảy máu do trầy xước vảy.
Những triệu chứng này có thể không hiện diện cùng một lúc và thường xuất hiện không liên tục. Hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi chứng rối loạn da này, phương pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát của bệnh.
Nguyên nhân bệnh vảy nến da đầu
Hiện nay, nguyên nhân bệnh vảy nến nói chung và vảy nến da đầu nói riêng chưa được tìm ra chính xác. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng, nó có liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch. Điều này khiến các tế bào da phát triển quá nhanh trong vòng vài ngày thay vì vài tuần như bình thường. Cơ thể không thể loại bỏ các tế bào da này đủ nhanh để phù hợp với sự tăng trưởng mới. Chúng xếp chồng chất lên bề mặt da, gây bệnh vảy nến.
Người có thành viên gia đình bị bệnh vảy nến da đầu tiềm ẩn nhiều khả năng mắc bệnh này. Những người nhiễm HIV, căng thẳng, béo phì và hút thuốc cũng có nguy cơ bị vảy nến.
Các tác nhân phổ biến gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến da đầu bao gồm:
- Viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da.
- Bị các vết thương ngoài da, như vết cắt, trầy xước, vết côn trùng cắn hoặc cháy nắng nghiêm trọng.
- Stress kéo dài.
- Hút thuốc lá.
- Uống quá nhiều rượu.
- Thiếu vitamin D.
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như lithium, thuốc huyết áp cao, thuốc chống sốt rét.
10 cách chữa vảy nến da đầu tại nhà hiệu quả
Vảy nến da đầu hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số cách chữa vảy nến tại nhà dưới đây có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến da đầu từ nhẹ đến trung bình, bao gồm:
- Nha đam: Nha đam là một loại cây được biết đến với đặc tính chữa lành da. Các loại kem bôi có chứa 0,5% nha đam có thể giúp giảm ngứa, viêm, bong tróc và đỏ trên da đầu. Kem này nên được thoa lên vùng da đầu tối đa 3 lần/ngày để giữ ẩm cho da và có thể mất đến một tháng để bắt đầu thấy hiệu quả tích cực.
- Giấm táo: Giấm táo có thể giúp giảm ngứa liên quan đến bệnh vảy nến da đầu. Hãy thử áp dụng giấm táo hữu cơ lên da đầu vài lần một tuần. Bạn có thể pha loãng giấm táo với nước theo tỷ lệ 1:1. Hãy rửa sạch da sau khi áp dụng để ngăn ngừa kích ứng, chú ý không thử cách điều trị này nếu da bạn bị nứt hoặc chảy máu. Kiên trì thực hiện trong vài tuần, bạn sẽ thấy triệu chứng vảy nến da đầu được cải thiện tích cực.
- Baking soda: Baking soda là một cách điều trị nhanh chóng đối với tình trạng ngứa do vảy nến da đầu. Lấy một cốc nước nhỏ và khuấy đều một muỗng baking soda. Sau đó, sử dụng một miếng bông hoặc khăn lau để thoa hỗn hợp lên vùng da đầu bị ảnh hưởng. Bạn thậm chí có thể đổ dung dịch lên đầu để giảm ngứa và viêm dưới tóc.
- Dầu dừa hoặc dầu bơ: Dừa và bơ chứa đầy chất béo lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe làn da. Cho một vài giọt dầu bơ hoặc dừa lên da đầu, massage nhẹ nhàng và đội mũ tắm. Đợi 20 phút, tháo mũ, sau đó gội đầu như bình thường. Cách này có thể làm giảm vảy và cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến.
- Tỏi: Tỏi có đặc tính chống viêm mạnh mẽ và chất chống oxy hóa giúp cải thiện triệu chứng vảy nến, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng da. Trộn tỏi sống xay nhuyễn với kem lô hội hoặc gel theo tỷ lệ 1:1. Thoa hỗn hợp trên vùng da bị ảnh hưởng từ 15 - 20 phút. Sau đó, rửa sạch với nước mát. Áp dụng cách này hàng ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả tích cực.
- Tắm bột yến mạch: Thêm một chén yến mạch vào bồn nước ấm và ngâm trong 15 phút có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh vảy nến da đầu. Yến mạch giúp giảm ngứa, viêm và bong tróc da. Hãy để vùng da bị vảy nến ngập hoàn toàn trong nước khi tắm để đạt hiệu quả tốt.
- Axit béo omega-3: Axit béo omega-3 được sử dụng dưới dạng dầu cá và các chất bổ sung từ thực vật như hạt lanh có thể giúp giảm viêm.
- Muối biển hoặc muối Epsom: Ngâm toàn bộ cơ thể, bao gồm cả phần da đầu bị vảy nến trong nước ấm đã hòa tan muối biển hòa tan hoặc muối Epsom có thể làm giảm các triệu chứng bệnh vảy nến da đầu. Cố gắng ở trong bồn khoảng 15 phút và thoa kem dưỡng ẩm cho vùng da bị ảnh hưởng khi tắm xong để tránh khô da.
- Sử dụng nghệ: Củ nghệ là một loại thảo mộc nổi tiếng với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Những người bị bệnh vảy nến da đầu có thể giảm các triệu chứng bằng cách bổ sung bột nghệ hàng ngày hoặc kết hợp thêm bột nghệ tươi vào các món ăn.
- Vitamin D: Ánh nắng mặt trời có thể giúp làm giảm một số triệu chứng của bệnh vảy nến da đầu. Bạn hãy bôi kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất 30 và dành 10 - 15 phút dưới ánh mặt trời nhưng hãy chú ý không tắm nắng lúc ánh nắng gay gắt để tránh bị bỏng da.