Cách chữa bệnh vảy nến luôn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, bởi đây là tình trạng bao gồm nhiều thể khác nhau và tùy thuộc cơ địa mỗi người lại phù hợp với từng cách điều trị riêng biệt. Tuy nhiên, được xem là phương pháp mang lại hiệu quả tốt và đáp ứng với nhiều đối tượng bị vảy nến, chính là liệu pháp ánh sáng. Để có thông tin cụ thể hơn, mời bạn tham khảo ngay bài viết sau đây! 

Đâu là nguyên nhân gây bệnh vảy nến?

Vảy nến là một bệnh lý khá phổ biến, với khoảng 2 - 3% tổng dân số thế giới mắc phải. Tỷ lệ mắc nhiều nhất rơi vào nhóm tuổi từ 10 - 50, không phân biệt nam, nữ.

Về nguyên nhân gây bệnh, trên thực tế, vẫn chưa có một khẳng định chính xác nào, tuy nhiên, rất nhiều giả thuyết cho rằng, sự suy giảm miễn dịch là yếu tố hàng đầu khiến bệnh bùng phát. Bình thường, hệ miễn dịch đảm nhận nhiệm vụ tấn công vi khuẩn, virus và những yếu tố lạ khác xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, do chức năng suy yếu khiến hệ thống phòng ngự này nhận diện nhầm và tấn công chính các tế bào biểu bì da, khiến chúng tăng sinh và chết đi nhanh chóng. Chúng lại xếp chồng lên nhau và gây nên tổn thương sưng đỏ trên da, gây ngứa ngáy, khó chịu. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể kích hoạt vảy nến tiến triển nhanh chóng và trầm trọng hơn, chẳng hạn như: Chấn thương trên da, dị ứng thực phẩm, tác dụng phụ của một số thuốc,… 

Các phương pháp điều trị vảy nến hiện nay

Do nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ chính hệ thống miễn dịch trong cơ thể nên hiện nay, việc điều trị vảy nến chưa được triệt để. Tuy nhiên, đã có rất nhiều phương pháp giúp kiểm soát, khắc phục nhanh các tổn thương trên da và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến, đó là:

- Điều trị bằng thuốc: Thường áp dụng 2 nhóm là thuốc bôi tại chỗ (có tác dụng làm sạch da, cải thiện bong vảy, đỡ ngứa ngáy, giúp tổn thương nhanh lành,...) và thuốc uống tác dụng toàn thân (có vai trò giảm phản ứng viêm, kiểm soát tổn thương, tránh nhiễm khuẩn thứ phát, ức chế miễn dịch). Tuy nhiên, chúng đều tiềm ẩn những tác dụng nguy hại cho gan, thận, nên cần tham khảo kỹ tư vấn từ chuyên gia để sử dụng hiệu quả.

- Liệu pháp ánh sáng: Tác động nhanh, trực tiếp vào vùng tổn thương trên da, được đánh giá là phương pháp an toàn hơn so với sử dụng thuốc, nhưng một số trường hợp cũng gặp phải tình trạng phồng rộp, đỏ rát trên da.

- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng: Đây là biện pháp cần được thực hiện hàng ngày, kể cả khi tình trạng đã ổn định, bởi sẽ giúp cải thiện tốt sức khỏe tổng thể, từ đó hệ miễn dịch giảm bớt áp lực và từng bước hồi phục chức năng.

Cách chữa bệnh vảy nến bằng liệu pháp ánh sáng như thế nào?

Dưới đây là những thông tin cụ thể hơn về liệu pháp ánh sáng hay quang trị liệu trong bệnh vảy nến.

Trên thực tế, có 2 cách điều trị từ phương pháp này, đó là sử dụng tia UVA, UVB từ tự nhiên (ánh nắng mặt trời) và nhân tạo. Tiếp xúc với tia cực tím sẽ giúp giảm phản ứng viêm trong cơ thể, đồng thời kéo dài chu kỳ sống của tế bào, nhờ đó khắc phục nhanh triệu chứng bệnh và ngăn ngừa tổn thương lan rộng.

Với nguồn tự nhiên

Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém nhất mà vẫn đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không tắm nắng khi cường độ tia UVA, UVB quá cao vì có thể khiến da tổn thương nặng nề hơn. Bên cạnh đó, hãy thoa kem chống nắng vào những vùng da lành để việc trị liệu không ảnh hưởng đến chúng.

Với nguồn nhân tạo

Phương pháp này thường sử dụng nguồn tia UVA hoặc UVB một cách đơn lẻ hay kết hợp với thuốc. Cụ thể như sau:

+ Sử dụng tia UVB băng rộng: Ánh sáng UVB có khả năng cải thiện các triệu chứng bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình, mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải tác dụng phụ như: Mẩn đỏ, khô da. Chú ý sử dụng thêm kem dưỡng ẩm sẽ giúp khắc phục các tình trạng này.

+ Liệu pháp UVB băng hẹp: Đây là loại điều trị được áp dụng sau nhưng mang tới hiệu quả cao hơn so với phương pháp dùng tia UVB băng rộng. Bạn có thể được chỉ định thực hiện 2 - 3 lần/tuần cho đến khi tổn thương trên da được khắc phục, và sau đó duy trì 1 buổi mỗi tuần. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể gây bỏng da nặng và lâu dài hơn.

 + Phương pháp Goeckerman: Một số bác sĩ kết hợp điều trị UVB với nhựa than, được gọi là phương pháp Goeckerman. Do nhựa than có khả năng làm mềm da, giúp da dễ tiếp xúc với tia UVB hơn nên khi kết hợp sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị.

+ Trị liệu PUVA: Đây là cách thức quang hóa trị liệu, với việc dùng psoralen (thuốc nhạy cảm với ánh sáng) trước khi cho da tiếp xúc với UVA. Trên thực tế, tia UVA dễ thâm nhập sâu vào da hơn UVB, đồng thời sử dụng psoralen sẽ giúp da phản ứng nhanh hơn tia UVA.
Tuy đạt hiệu quả cao trong các thể bệnh vảy nến nặng nhưng phương pháp này cũng có thể gây ra một số phản ứng xấu trên cơ thể như: Buồn nôn, nhức đầu, nóng rát, ngứa ngáy. Về lâu dài có thể khiến da nhăn nheo, xuất hiện tàn nhang, tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và tiềm ẩn nguy cơ ung thư da.

+ Dùng tia laser: Cách trị liệu này thường được sử dụng cho bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình. Phương pháp dùng tia laser sử dụng nguồn sáng UVB mạnh hơn, định hướng trực tiếp vào vùng tổn thương mà không gây hại cho làn da khỏe mạnh. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể gặp phải tình trạng đỏ rát, phồng rộp da.