Bệnh vẩy nến là một trong tình trạng da liễu phổ biến nhất hiện nay. Tuy được đánh giá là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để chẩn đoán bệnh vẩy nến chính xác nhất? Mời bạn xem thông tin trong bài viết sau!

Vẩy nến có mấy loại?

Vẩy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Thông thường, các tế bào da được sản sinh và chết đi, sau đó rơi ra ngoài cơ thể sau 28 – 30 ngày. Tuy nhiên, khi bị vẩy nến, hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào da, đẩy nhanh quá trình này lên 10 lần. Các tế bào da tăng sinh quá nhanh nên không thể rơi ra ngoài cơ thể, tích tụ lại gây viêm và tạo thành các mảng đỏ, có vẩy trên bề mặt da. Đây chính là bệnh vẩy nến. Theo ước tính, hiện nay trên thế giới ghi nhận khoảng 125 triệu người bị bệnh này.

Vẩy nến có nhiều loại. Dưới đây là một số loại phổ biến:

- Vẩy nến thể mảng (vẩy nến mảng bám): Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% người bị vẩy nến. Triệu chứng đặc trưng của thể vẩy nến này là tổn thương da đỏ, sưng viêm, có vẩy trắng bao phủ. Bệnh ảnh hưởng đến da ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu,…

- Vẩy nến thể giọt: Da có các đốm nhỏ tổn thương như giọt nước ở cánh tay, chân hoặc lan rộng ra toàn thân. Bệnh thường ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và trẻ em.

- Bệnh vẩy nến mụn mủ: Da đỏ và có vẩy với những mụn nhỏ li ti ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.

- Bệnh vẩy nến đảo ngược: Gây ra các tổn thương da màu đỏ tươi, mịn, không có vẩy ở nếp gấp da như nách, háng và dưới vú.

- Bệnh vẩy nến đỏ da toàn thân: Gây đỏ da và bong vẩy trên phần lớn diện tích da của cơ thể. Bệnh cần được điều trị ngay lập tức vì nó có thể dẫn đến tình trạng nặng như sốt, ớn lạnh.

- Vẩy nến móng: Bệnh khiến móng chân, tay bị đổi màu, sần sùi, biến dạng, thậm chí mất móng.

- Vẩy nến khớp: Bệnh khiến khớp sưng viêm và tấy đỏ.

Cách chẩn đoán bệnh vẩy nến chính xác nhất

Bệnh vẩy nến không được phát hiện và điều trị sớm có thể khiến tổn thương lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Dưới đây là cách giúp bạn chẩn đoán bệnh vẩy nến chính xác nhất:

Tự kiểm tra

- Tìm kiếm các mảng đỏ của da xuất hiện vẩy: Bạn nên tìm kiếm bất kỳ mảng da đỏ nào trên cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục và bên trong miệng. Những mảng màu đỏ có thể được bao phủ bởi vẩy bạc và chỉ xuất hiện ở một vài điểm trên cơ thể hoặc trong các khu vực lớn. Nếu nhận thấy những triệu chứng này, bạn có thể bị vẩy nến mảng bám. Đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh vẩy nến.

- Bạn cũng nên kiểm tra dọc theo chân tóc để xem xét có khu vực nào màu đỏ, ngứa và bị vẩy trắng bạc hay không. Đây thường là một triệu chứng của bệnh vẩy nến da đầu. Bạn cũng có thể nhận thấy những vẩy da chết trên tóc hoặc trên vai, đặc biệt là sau khi bị trầy xước ở da đầu.

- Kiểm tra xem bạn có vết loét nhỏ, hình giọt nước trên cơ thể không. Đây là một triệu chứng của bệnh vẩy nến thể giọt, thường ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và trẻ em. Các vết loét nhỏ, hình giọt nước có thể xuất hiện trên cánh tay, chân, da đầu và toàn thân. Loại bệnh vẩy nến này có thể được kích hoạt bởi một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn.

- Tìm kiếm các mảng mịn của da bị viêm: Bạn nên tìm những mảng da mịn màng bị viêm ở nách, háng, dưới ngực và xung quanh bộ phận sinh dục. Đây là một triệu chứng của bệnh vẩy nến đảo ngược. Loại vẩy nến này thường trở nên tồi tệ hơn do ma sát và đổ mồ hôi.

- Kiểm tra bàn tay, bàn chân và đầu ngón tay của bạn xem có phồng rộp không. Vết rộp có thể chứa đầy mủ và vùng da xung quanh màu đỏ. Đây là những triệu chứng của bệnh vẩy nến mủ, một dạng vẩy nến ít phổ biến. Nếu có loại vẩy nến này, bạn cũng có thể bị sốt, ớn lạnh, tiêu chảy và ngứa dữ dội.

- Kiểm tra xem móng tay của bạn có bị dày, rỗ hay sần sùi không. Đây là những triệu chứng của bệnh vẩy nến móng tay. Nếu có loại vẩy nến này, bạn cũng có thể nhận thấy móng tay bị đổi màu và phát triển bất thường.

- Lưu ý nếu khớp của bạn sưng hoặc cứng. Đây có thể là triệu chứng của viêm khớp vẩy nến. Bạn cũng có thể bị viêm, da thấy xuất hiện vẩy và móng bị rỗ, đổi màu. Các khớp có thể rất đau. Theo thời gian, loại bệnh vẩy nến này có thể gây ra cứng khớp và tổn thương khớp.

- Xác định xem các triệu chứng của bạn bùng phát cứ sau vài tuần hoặc vài tháng hay không. Hầu hết các loại bệnh vẩy nến sẽ bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó thuyên giảm.

Bác sĩ kiểm tra

- Hãy để bác sĩ kiểm tra làn da của bạn. Họ có thể xác định xem bạn có bị bệnh vẩy nến hay không bằng cách nhìn vào da, da đầu và móng tay. Bác sĩ có thể kiểm tra các mảng đỏ, có vẩy hoặc những khu vực bị viêm trên da. Họ cũng có thể nhìn vào móng tay để kiểm tra xem chúng có bị rỗ, đổi màu hoặc bị bong ra không.

- Sinh thiết da: Bác sĩ có thể lấy một mẫu da nhỏ và xem xét dưới kính hiển vi. Sinh thiết cũng có thể giúp bác sĩ xác định loại bệnh vẩy nến bạn có và loại trừ các rối loạn khác. Sinh thiết da thường được thực hiện tại văn phòng của bác sĩ. Thuốc gây tê có thể được áp dụng để bạn không thấy đau. Kết quả sinh thiết thường có trong vòng một tuần.

- Cho phép bác sĩ loại trừ các tình trạng da khác. Bác sĩ có thể sử dụng kết quả sinh thiết da và khám thực thể để đảm bảo bạn bị bệnh vẩy nến không. Một số tình trạng da trông giống như bệnh vẩy nến, bao gồm:

+ Viêm da tiết bã: Tình trạng này khiến da bạn xuất hiện nhờn, ngứa, đóng vẩy và đỏ. Bạn có thể nhận thấy viêm da tiết bã ở mặt, ngực trên và lưng.

+ Liken phẳng: Tình trạng này thường xuất hiện dưới dạng đỏ, ngứa hoặc tổn thương trên cánh tay và chân của bạn.

+ Vẩy phấn hồng: Tình trạng da này xuất hiện dưới dạng một đốm lớn trên ngực, bụng hoặc lưng. Sau đó, nó có thể lan rộng ra toàn thân.

Cách điều trị vẩy nến hiệu quả

Hiện nay, chưa có cách chữa khỏi bệnh vẩy nến, vì vậy hầu hết các phương pháp điều trị tập trung vào việc loại bỏ lớp vẩy trên da để nó mịn màng và không bị kích ứng. Việc điều trị giúp ngăn chặn các tế bào da phát triển quá nhanh, làm giảm viêm và hạn chế hình thành các tổn thương.

Điều trị tại chỗ

Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị tại chỗ dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ là bước đầu tiên để giải quyết bệnh vẩy nến nhẹ.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định corticosteroid tại chỗ dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ cho làn da bị vẩy nến. Thuốc giúp giảm triệu chứng vẩy nến nhưng thường có nhiều tác dụng phụ.

Quang hóa trị liệu vẩy nến

Nếu bệnh vẩy nến của bạn nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng liệu pháp ánh sáng. Trong quá trình trị liệu bằng ánh sáng, làn da của bạn tiếp xúc với tia cực tím tự nhiên hoặc nhân tạo với liều lượng được kiểm soát.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vẩy nến, bạn có thể cần phải thực hiện khoảng 20 buổi trị liệu bằng ánh sáng để cải thiện triệu chứng bệnh.

Điều trị bằng thuốc toàn thân

Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc uống hoặc tiêm nếu bệnh vẩy nến rất nghiêm trọng hoặc kháng với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên người mắc cần thận trọng.