Vảy nến là một trong những bệnh tự miễn phổ biến nhất, hình thành do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Bệnh vảy nến có nhiều thể, mỗi thể có dấu hiệu và triệu chứng nhận biết khác nhau. Do đó, nhận diện được các loại vảy nến sẽ giúp việc điều trị thuận tiện và hiệu quả hơn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn một số thể vảy nến phổ biến.

Các loại bệnh vảy nến phổ biến

Tất cả chúng ta đều có thể bị phát ban do tiếp xúc với các chất phụ gia, một số kim loại, thực vật và các chất gây dị ứng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu phát ban của bạn không biến mất và cũng bị viêm, phát triển vảy, ngứa đến mức khó ngủ? Rất có thể bạn đã bị bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến là một tình trạng da có 5 hình thức khác nhau: Mảng bám, thể giọt, đảo ngược, mụn mủ và đỏ da toàn thân. Chúng có nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau.

Bệnh vảy nến mảng bám (vảy nến thể mảng)

Bệnh vảy nến mảng bám là loại vảy nến phổ biến nhất. Da có các tổn thương màu đỏ hồng, nổi lên và được phủ đầy vảy bạc. Chúng có thể bị ngứa hoặc đau và nếu bạn gãi chúng, bạn có thể thấy chảy máu.

Những mảng bám này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng một số khu vực thường xuất hiện nhất bao gồm: Khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu. Kích thước của các tổn thương và diện tích bề mặt cơ thể mà chúng bao phủ có thể khác nhau. Bệnh nhân bị bệnh vảy nến mảng bám cũng có thể gặp các vấn đề về móng, chẳng hạn như móng tay bị rỗ hoặc đổi màu.

Điều trị bệnh vảy nến mảng bám có thể bao gồm thuốc bôi, thuốc uống, liệu pháp ánh sáng, laser hoặc liệu pháp sinh học. Việc chỉ định phương pháp điều trị có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến, lối sống, những tình trạng y tế khác mà bạn có và những loại thuốc bạn đang dùng.

Vảy nến thể giọt

Bệnh vảy nến thể giọt là loại vảy nến phổ biến thứ 2, sau vảy nến mảng bám. Khoảng 10% những người bị vảy nến phát triển bệnh vảy nến thể giọt. Bệnh này được đặc trưng bởi các vết loét nhỏ, màu đỏ xuất hiện phổ biến nhất trên cánh tay, chân, thân và rải rác toàn thân. Các tổn thương có vảy bạc, nhưng chúng thường mỏng hơn mảng vảy nến mảng bám.

Loại bệnh vảy nến này phổ biến ở trẻ em, người trẻ tuổi và thường được kích hoạt bởi một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn. Đôi khi, điều trị viêm họng liên cầu khuẩn bằng kháng sinh làm cho bệnh vảy nến thể giọt biến mất. Một số người mắc bệnh vảy nến chỉ một lần, trong khi những người khác bị bệnh này nhiều lần. Một số người bị bệnh vảy nến thể giọt, sau đó tiếp tục phát triển bệnh vảy nến mảng bám.

Bệnh vảy nến đảo ngược

Bệnh vảy nến đảo ngược có xu hướng xảy ra tại nếp gấp da, như ở nách, háng, bộ phận sinh dục, sau đầu gối, giữa mông và dưới vú. Với bệnh vảy nến đảo ngược, các mảng tổn thương thường có màu đỏ, viêm, bóng, mịn màng (không có vảy bạc) và chúng thường gây đau.

Bệnh này phổ biến hơn ở những người thừa cân và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè khi trời nóng và người ra mồ hôi nhiều hơn. Các nếp gấp da là khu vực ẩm ướt và thường bị vảy nến đảo ngược.

Bệnh vảy nến mủ

Bệnh vảy nến mủ là khá hiếm và xảy ra chủ yếu ở người lớn. Đôi khi, bệnh vảy nến mủ xuất hiện dưới dạng các mảng ở những vùng nhỏ như trên bàn tay hoặc bàn chân, đôi khi, nó bao phủ một vùng da lớn hơn. Da trở nên đỏ, sau đó, mụn nước nhỏ chứa đầy mủ màu trắng sẽ xuất hiện trên lớp da đỏ đó.

Bệnh thường đến nhanh và các mụn nước gây đau. Các mụn nước có thể biến mất sau một vài ngày nhưng chúng sẽ quay trở lại. Bệnh vảy nến mủ được gây ra bởi nhiều thứ bao gồm nhiễm trùng, ngừng đột ngột một số loại thuốc, mang thai, tiếp xúc quá nhiều với tia UV hoặc căng thẳng kéo dài. Nếu bệnh vảy nến mủ bao phủ một phần lớn của cơ thể, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, yếu cơ, mệt mỏi, chán ăn, mạch nhanh và ngứa.

Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân

Bệnh vảy nến toàn thân là dạng vảy nến ít phổ biến nhất, chỉ xảy ra ở 3% những người bị bệnh vảy nến. Đây cũng là dạng vảy nến nghiêm trọng nhất.

Với bệnh vảy nến toàn thân, hơn 75% diện tích cơ thể bị nổi mẩn đỏ thành từng mảng, ngứa dữ dội và vô cùng nóng rát. Da trông như bị đốt cháy và nếu nghĩ rằng bạn mắc loại bệnh vảy nến này, hãy đến bệnh viện ngay để điều trị vì nó có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh vảy nến toàn thân khiến người mắc khó duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường, nhịp tim tăng lên và sốt.

Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh vảy nến toàn thân bao gồm cháy nắng nặng, bị một loại bệnh vảy nến khác và dùng thuốc corticosteroid.

Vảy nến có lây không?

Vảy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG lây nhiễm thông qua tiếp xúc từ người mắc bệnh. Nếu bạn đã từng ôm, bắt tay, dùng chung đồ dùng với người bị vảy nến thì không cần quá lo lắng nhé! Ngoài ra, đừng xa lánh mà hãy động viên, giúp đỡ người bị vảy nến, giúp họ vượt qua những khó khăn do bệnh gây ra.

Vảy nến có chữa được không?

Hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị có tác dụng giảm triệu chứng ngứa ngáy, sưng, viêm đỏ, phòng ngừa tái phát và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp can thiệp mà bạn có thể áp dụng là sử dụng thuốc, quang hóa trị liệu và biện pháp thay đổi lối sống, kết hợp sử dụng sản phẩm thảo dược thiên nhiên.