Vảy nến là bệnh tự miễn ảnh hưởng chủ yếu đến da của người mắc. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, trong đó có bộ phận sinh dục. Bị vảy nến ở háng là tình trạng không quá nguy hiểm nhưng tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Vậy làm thế nào để trị dứt điểm tình trạng này?

Bệnh vảy nến có những loại nào?

Vảy nến (vẩy nến) là bệnh mạn tính gây viêm da do tự miễn. Tại Việt Nam, có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh này. Vảy nến có nhiều loại với các triệu chứng nhận biết khác nhau. Dưới đây là một số loại vảy nến phổ biến:

- Vảy nến thể mảng: Đây là loại phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 80% số người mắc. Bệnh gây ra các mảng tổn thương sưng viêm, đỏ và có vảy trắng bao phủ, kèm theo ngứa ngáy. Vảy nến thể mảng thường xuất hiện ở vùng tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu,... và có xu hướng lan rộng ra toàn thân nếu không được điều trị sớm.

- Vảy nến thể giọt: Da xuất hiện các chấm nhỏ màu đỏ, có vảy trắng trên tay, chân hoặc lan ra toàn thân. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên.

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Da đỏ tươi như tôm luộc và vảy bao phủ. Đây là bệnh rất nguy hiểm, cần được can thiệp y tế sớm bởi người mắc có thể bị sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim,… Bệnh khá hiếm gặp và thường xuất hiện ở những người đã bị các loại vảy nến khác hoặc dừng đột ngột việc điều trị một bệnh vảy nến nào đó.

- Vảy nến thể mủ: Da có các đám mụn đầu mủ trắng gây đau đớn ở bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân. Mụn mủ có thể vỡ ra, gây bội nhiễm nên người mắc cần thận trọng.

- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương da màu đỏ tươi, mịn tại nách, háng, sau đầu gối,... Bệnh bị trầm trọng hơn nếu tổn thương bị cọ xát hoặc thấm mồ hôi.

- Ngoài ra, vảy nến còn ảnh hưởng đến xương khớp gây đau, sưng, tấy đỏ khớp; Ảnh hưởng đến móng gây đổi màu, biến dạng móng.

hinh-anh-vay-nen-toan-than.jpg

Hình ảnh da bị vảy nến

Bệnh vảy nến có chữa khỏi được không?

Hiện nay, vảy nến chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị có tác dụng giảm triệu chứng ngứa ngáy, sưng, viêm đỏ, phòng ngừa tái phát và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp can thiệp mà bạn có thể áp dụng là sử dụng thuốc, quang hóa trị liệu và biện pháp thay đổi lối sống, kết hợp sử dụng sản phẩm thảo dược thiên nhiên.

Vảy nến có lây không?

Vảy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG lây nhiễm thông qua tiếp xúc từ người mắc bệnh. Nếu bạn đã từng ôm, bắt tay, dùng chung đồ dùng với người bị vảy nến thì không cần quá lo lắng nhé! Ngoài ra, đừng xa lánh mà hãy động viên, giúp đỡ người bị vảy nến, giúp họ vượt qua những khó khăn do bệnh gây ra.

Vảy nến có ngứa không?

Khoảng 50% người bị vảy nến thấy ngứa ngáy trên tổn thương da. Mức độ ngứa có thể từ nhẹ đến trầm trọng, gây mất ngủ, ảnh hưởng đến cuộc sống. Để giảm ngứa, người bệnh có thể dùng các loại thuốc kháng histamine hoặc các loại kem dưỡng ẩm nhằm tránh bị khô da, da nứt nẻ.

Bệnh vảy nến có di truyền không?

Vảy nến là bệnh có yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến thì con có tỷ lệ mắc vảy nến là 8%, còn cả bố mẹ đều mắc vảy nến thì tỷ lệ con bị bệnh là 41%. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng bởi vảy nến là bệnh lành tính và có thể được kiểm soát nhờ nhiều biện pháp đơn giản. Ngoài ra, bệnh cũng có yếu tố lịch sử gia đình - những người sống trong gia đình có người thân bị vảy nến tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh cao hơn những người trong gia đình không có người bị bệnh.

Triệu chứng bệnh vảy nến ở háng

Háng nằm trong vùng sinh dục và vảy nến tại vị trí này không phổ biến. Tuy nhiên, tổn thương tại vị trí này lại khiến người mắc khó chịu, đau đớn khi đi lại, vận động và có thể ảnh hưởng đến chất lượng tình dục do người bị bệnh tự ti, mặc cảm.

Bệnh vảy nến ở háng thường là dấu hiệu của vảy nến đảo ngược. Bệnh được đặc trưng bởi các tổn thương đỏ tươi, mịn, không có vảy và đau rát. Tổn thương thường trầm trọng hơn do cọ xát với quần bó chặt hoặc bị thấm mồ hôi. Do vậy, khi thấy dấu hiệu tổn thương ở háng, bạn cần đến các chuyên khoa da liễu để được khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần tránh mặc quần bó chặt vào háng, nên mặc chất liệu thấm hút tốt mồ hôi.