Bất kỳ ai bị vảy nến cũng đều băn khoăn: Bị vảy nến bôi thuốc gì cho hiệu quả mà vẫn an toàn? Thực tế, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc điều trị vảy nến. Và việc dùng thuốc còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác, sức khỏe tổng quát cùng các yếu tố khác. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về việc dùng thuốc bôi trị vảy nến hiện nay.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Trước khi trả lời được câu hỏi bị vảy nến nên bôi thuốc gì, chúng ta cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh cũng như cơ chế hình thành như thế nào. Theo các chuyên gia, vảy nến là một loại bệnh tự miễn.
Cơ chế hình thành bệnh tự miễn là do trong cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Bệnh tự miễn xuất hiện khi hệ miễn dịch bị suy yếu và mất khả năng phân biệt lạ, quen. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn như: Các độc tố trong môi trường, di truyền, virus, hay một số loại thuốc... Ngoài ra, dinh dưỡng kém, stress, thiếu ngủ, thiếu vận động, uống rượu và hút thuốc lá nhiều có thể làm suy yếu hệ miễn dịch cũng góp phần gây ra các bệnh này.
Đến nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh vảy nến là do đâu. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và sự rối loạn miễn dịch được xem là nhân tố chính khiến cho vảy nến bùng phát.
Bệnh vảy nến thường xuất hiện ở phần khớp, như khuỷu tay và đầu gối, cũng có thể xuất hiện ở bất kì đâu trên cơ thể như: Cổ, da dầu, tay, chân, mặt,... Ở mỗi người, các triệu chứng vảy nến có thể khác nhau và còn phụ thuộc vào từng thể bệnh. Những dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm:
- Xuất hiện vảy màu trắng bạc hoặc các mảng da màu đỏ sần sùi, bị viêm.
- Ngứa và rát xung quanh vùng da có vảy.
- Da khô, dễ nứt nẻ và chảy máu.
- Đau nhức tại các mảng da bị viêm.
- Móng tay dày lên.
- Đau, sưng khớp,...
Bệnh vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn
Hiện nay, chưa có phương pháp hay loại thuốc điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh vảy nến. Tùy thuộc vào các yếu tố tác động mà người mắc có thể sẽ thấy những đợt bùng phát dữ dội. Sau đó, tình trạng này có thể thuyên giảm nhưng sẽ tái phát bất kỳ lúc nào.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, vảy nến sẽ tái phát khi mệt mỏi, stress kéo dài, sang chấn tâm lý,... Đây là những yếu tố khiến hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, người mắc nên áp dụng các phương pháp kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian ổn định cũng như ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, vảy nến là bệnh không lây, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến da, làm cho da bị đỏ, bong vảy, xấu xí, khiến người xung quanh có sự kỳ thị, thậm chí bản thân bệnh nhân cũng mặc cảm. Vảy nến lại rất dễ tái phát nên người bệnh hay ngại ngùng, giấu bệnh, tâm lý căng thẳng, lo âu,... Điều này khiến cho tình trạng càng tiến triển nặng hơn.
Hiện nay, các loại thuốc bôi ngoài da và uống toàn thân thường được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến. Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc da đúng cách sẽ giúp hạn chế nguy cơ tái phát bệnh vẩy nến. Vì vậy, bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn, làm việc kết hợp với nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng mệt mỏi, stress, không sử dụng rượu bia, thuốc lá,...
Bị vảy nến nên bôi thuốc gì hiệu quả?
Việc dùng thuốc bôi trị vảy nến là phương pháp điều trị trực tiếp lên da, bao gồm: Kem, thuốc mỡ, dưỡng thể, gel. Những thuốc này có tác dụng làm bong vảy, tiêu sừng, hạn chế sự hình thành nhanh chóng của vảy da. Trong đó, thường được sử dụng là thuốc mỡ salicylic (có tác dụng bong vảy, bạt sừng), thuốc mỡ corticoid có tác dụng chống viêm,... Tuy nhiên, không nên bôi corticoid nhiều và dài ngày bởi có thể gây ra các tác dụng phụ.
Hầu hết những người bị vảy nến sẽ được bắt đầu điều trị bằng cách dùng thuốc bôi ngoài da. Khi không thuyên giảm với phương pháp điều trị ngoài da, bạn sẽ được điều trị toàn thân. Các chuyên gia da liễu cũng có thể sẽ kê thuốc uống hoặc tiêm nếu bệnh vảy nến của bạn trở nên nặng hơn hoặc không thuyên giảm với những phương pháp trước đây. Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng, nên phương pháp này rất hạn chế, chỉ sử dụng cho các trường hợp nặng hoặc dai dẳng.
Các loại thuốc điều trị toàn thân bao gồm:
- Methotrexate: Đây là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với người bị vảy nến thể mảng hoặc thể mủ. Gần đây, các chuyên gia đã bắt đầu sử dụng phương pháp này trong điều trị viêm khớp vẩy nến.
- Cyclosporine: Là thuốc có hiệu quả cao trong ức chế hệ miễn dịch. Thông thường, thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn vì có thể tăng nguy cơ cao huyết áp.
- Retinoid: Giống với các loại thuốc toàn thân khác, thuốc này cũng có một số tác dụng phụ tiềm ẩn. Bạn có thể được yêu cầu xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra men gan, mỡ máu, vì tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng thuốc này là ảnh hưởng chức năng gan và mỡ máu.
- Hydroxyurea: Có thể được sử dụng kèm với quang liệu pháp, nhưng không hiệu quả như cyclosporin và methotrexate.