Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính nhưng khá lành tính. Tổn thương bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến da của người mắc. Tuy nhiên, không ít người bị vảy nến xuất hiện tình trạng da khô, nứt nẻ và chảy máu. Vậy, phải sơ cứu và ngăn ngừa da chảy máu do vảy nến ra sao? Mời bạn tham khảo thông tin trong bài viết sau.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định rằng, vảy nến phát triển do sự rối loạn của hệ miễn dịch, kết hợp với các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống.
Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi mọi tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn bằng cách phát hiện và tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tự miễn như vảy nến, hệ miễn dịch rối loạn và tấn công chính các tế bào biểu bì da của cơ thể, gây nên triệu chứng như da đỏ, sưng viêm và bong tróc vảy trắng. Ngoài ra, chúng cũng có thể tấn công móng, xương khớp và gây bệnh vảy nến khớp, vảy nến móng,…
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh vảy nến, bao gồm:
- Yếu tố lịch sử gia đình;
- Uống nhiều rượu, bia;
- Hút thuốc lá;
- Trầy xước da;
- Stress kéo dài;
- Béo phì, thừa cân;
- Lười vận động;
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, thuốc điều trị tăng huyết áp,…
Bị vảy nến gây chảy máu – Sơ cứu ra sao?
Bệnh vảy nến đặc trưng bởi các tổn thương dày, có vảy, ngứa và đôi khi đau đớn hình thành trên bề mặt của da. Những tổn thương này có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng hay ảnh hưởng đến da đầu, mặt, khuỷu tay, mông và đầu gối.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn của bệnh vảy nến, các mảng bám có thể bị nứt và chảy máu, dẫn đến các vết nứt và loét trên da. Vết nứt vảy nến và vết loét có thể gây đau và dễ bị nhiễm trùng. Đối với một số người, điều này có thể khiến họ tự ti, mặc cảm, chán nản.
Nếu bạn sống với bệnh vảy nến và đôi khi gặp các triệu chứng này, bạn nên biết một vài kỹ thuật sơ cứu đơn giản để giúp bảo vệ làn da của mình. Kiến thức này có thể giúp bạn tránh nhiễm trùng và quản lý tốt hơn tình trạng bệnh của mình theo thời gian. Bạn nên sơ cứu như sau:
- Đầu tiên, trước khi bạn làm bất cứ điều gì khác, hãy rửa tay bằng nước ấm, xà phòng trong ít nhất 20 giây. Ngay cả sau khi rửa tay, hãy cân nhắc đeo găng tay cao su dùng một lần nếu bạn có sẵn. Bằng cách đó, bạn có thể tránh chạm vào vết thương.
- Nếu vết đau hoặc vết nứt của bạn bị chảy máu, hãy cầm máu bằng cách dùng miếng gạc sạch hoặc vải trong vài phút.
- Khi máu đã ngừng chảy, hãy rửa vết thương bằng nước ấm hoặc dung dịch muối. Loại bỏ bất kỳ mảnh vụn nào, như xơ vải quần áo, bụi bẩn ở vết loét.
- Nhẹ nhàng làm sạch khu vực bằng nước ấm, xà phòng và lau khô bằng vải sạch.
- Băng vết đau hoặc vết nứt bằng băng y tế, băng dính hoặc băng lỏng. Bạn có thể mua những đồ sơ cứu này tại hầu hết các hiệu thuốc. Băng kín vết thương sẽ giúp bảo vệ nó khỏi bụi bẩn, vi khuẩn và giúp các mô da tự sửa chữa.
Nếu bạn đang di chuyển và không có các công cụ thích hợp để làm sạch cũng như băng kín vết thương, hãy để nó mở cho đến khi bạn tìm được đồ sơ cứu hoặc thoa son dưỡng môi lên nó. Băng vết thương không sạch bằng băng hoặc vải có thể khiến bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Cách bảo vệ làn da bị vảy nến
Ngoài chăm sóc sơ cứu và điều trị theo toa, có một số cách đơn giản nhưng hiệu quả để giảm bớt sự khó chịu liên quan đến tổn thương bệnh vảy nến.
Dưới đây là ba cách dễ dàng để chăm sóc làn da của bạn:
- Tắm trong nước ấm chứ không phải nước nóng: Điều này giúp làm mềm vết loét, loại bỏ vảy và giữ ẩm cho làn da của bạn. Hãy thử thêm bột yến mạch để làm dịu, dầu tắm nhẹ nhàng, không mùi thơm hoặc muối Epsom vào bồn tắm của bạn để giảm ngứa.
- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ trên da ngay sau khi tắm. Điều này sẽ giúp làn da của bạn được giữ ẩm.
- Theo dõi và kiểm soát các yếu tố kích hoạt và ngăn ngừa tổn thương. Ví dụ, nếu đợt bùng phát của bạn được kích hoạt do căng thẳng, hãy thử tập thể dục, thiền hoặc nghe bài hát yêu thích để kiểm soát căng thẳng.
Hãy nhớ rằng: Thay đổi lối sống đơn giản có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của làn da.