Vảy nến da đầu là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Theo ước tính, khoảng 50% người bị vảy nến xuất hiện tổn thương ở da đầu. Vậy khi bị vảy nến da đầu thì người mắc cần điều trị ra sao để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tái phát? Nếu bạn có cùng thắc mắc trên thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết sau đây.

Dấu hiệu bệnh vảy nến da đầu

Da đầu là một trong những vị trí được vảy nến “ưu ái ghé thăm” và thường có biểu hiện như sau:

- Da đầu xuất hiện các mảng hoặc chấm tổn thương có vảy, màu đỏ, những mảng da thô ráp, gập ghềnh;

- Da đầu khô, có thể ngứa ngáy, khó chịu.

- Tóc có thể rụng: Tuy nhiên, đây là tình trạng tạm thời do người bệnh gãi, kỳ cọ. Tóc thường mọc lại sau khi đã được điều trị.

Nguyên nhân gây vảy nến da đầu

Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến nói chung và vảy nến da đầu nói riêng vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm, các chuyên gia tin rằng, nó có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch và những yếu tố nguy cơ từ môi trường.

- Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn chặn, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch rối loạn sẽ tấn công nhầm tế bào da, khiến các tế bào da chết sau 3 – 4 ngày, thay vì 28 – 30 ngày như bình thường. Những tế bào này liên tục di chuyển lên bề mặt, tích tụ lại, gây viêm và tạo thành các tổn thương đỏ có vảy trắng.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh bao gồm:

- Yếu tố lịch sử gia đình, di truyền: Ước tính, 10% dân số thế giới mang gen, 2 – 3% trong số này phát triển bệnh. Nếu có ông bà, bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc vảy nến thì nguy cơ mắc bệnh này của các thành viên khác sẽ cao hơn.

- Thừa cân, béo phì. 

- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc chẹn beta,… cũng làm tăng nguy cơ bị vảy nến.

- Nhiễm trùng, như viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm HIV,…

- Tổn thương da do trầy xước, vết tiêm chủng, xăm hình, da bị cháy nắng… 

- Uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá: Các thói quen xấu này tác động đến hệ miễn dịch, từ đó làm trầm trọng thêm triệu chứng vảy nến.

- Stress, căng thẳng kéo dài.

Vảy nến da đầu có lây không?

Vảy nến da đầu nói riêng và các bệnh vảy nến nói chung KHÔNG LÂY NHIỄM thông qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc vật lý như ôm, hôn, nắm tay, dùng chung đồ,… Tuy nhiên, vảy nến da đầu có thể lan rộng ra các vị trí khác trên cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.

Bị vảy nến da đầu – Điều trị ra sao hiệu quả?

Đến nay, chưa có thuốc điều trị vảy nến da đầu khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người mắc có thể cải thiện tốt các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát hiệu quả nhờ những biện pháp sau đây:

Điều trị tại chỗ

Phương pháp điều trị tại chỗ sử dụng các loại kem, bọt, thuốc mỡ, gel và dầu gội thoa trực tiếp lên tổn thương da đầu. Mặc dù mang lại hiệu quả nhưng hãy thận trọng tác dụng phụ của các loại thuốc này.

Quang hóa trị liệu

Đối với bệnh vảy nến da đầu từ trung bình đến nặng, một lựa chọn hữu ích là tiếp xúc da với tia cực tím (UV). Tuy nhiên, chúng cũng làm tăng nguy cơ ung thư da, bỏng da nên bạn hãy thận trọng.

Điều trị toàn thân

Đây là các loại thuốc dạng uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, giúp kiểm soát triệu chứng bệnh vảy nến da đầu. Tuy nhiên, phương pháp này đều có nhược điểm là ảnh hưởng đến gan, thận và tủy xương. Do đó, người dùng cần thận trọng

Biện pháp điều trị vảy nến tại nhà

Có rất nhiều biện pháp khắc phục tại nhà được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến da đầu để ngăn ngừa sự bùng phát. Chúng bao gồm:

- Sử dụng kem dưỡng ẩm.

- Chăm sóc da đầu của bạn.

- Tránh thời tiết khô, lạnh.

- Tránh các loại thuốc gây bùng phát bệnh vảy nến.

- Tránh các vết xước, vết cắt, vết sưng và nhiễm trùng.

- Giảm stress bằng các biện pháp như thiền, tập yoga, nghe nhạc, xem phim, làm vườn,…

- Giảm tiêu thụ rượu.

- Tập thể dục và duy trì cân nặng khỏe mạnh: Hãy vận động ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần để ngăn ngừa vảy nến nói chung và tăng cường sức khỏe tổng thể nói riêng.