Vảy nến da đầu là bệnh phổ biến. Nó gây ra những tổn thương bong tróc, ngứa ngáy khiến người mắc gặp không ít khó chịu, phiền phức. Vậy làm thế nào để nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh vảy nến da đầu chính xác nhất? Nếu có chung các thắc mắc này, bạn đừng bỏ qua thông tin có trong bài viết sau!

Dấu hiệu bệnh vảy nến da đầu

Vảy nến là bệnh ngoài da mạn tính, gây ra bởi hệ miễn dịch suy yếu, trong đó, phổ biến nhất là vảy nến thể mảng với các triệu chứng như da xuất hiện những mảng tổn thương đỏ, có viền rõ ràng với vùng da xung quanh. Trên bề mặt tổn thương có lớp vảy trắng bao phủ. Loại này thường xuất hiện ở vùng da tì đè như khuỷu tay, đầu gối,… Ngoài ra, vảy nến còn có các loại khác như: Thể giọt, thể đảo ngược, mụn mủ, đỏ da toàn thân, ảnh hưởng đến xương khớp và móng.

Vảy nến da đầu là bệnh vảy nến xuất hiện ở da đầu. Đây là vị trí yêu thích của vảy nến thể mảng và vảy nến thể giọt. Nhiều người bị vảy nến tại da đầu, sau đó lan ra toàn cơ thể. Các triệu chứng vảy nến da đầu nhẹ có thể chỉ là một vài đốm tổn thương nhỏ, sưng viêm và có vảy trắng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tổn thương sẽ lan rộng với các triệu chứng bao gồm:

- Những mảng tổn thương rộng trên da đầu màu đỏ, sưng, viêm.

- Trên tổn thương da có lớp vảy trắng.

- Da đầu khô, có thể ngứa ngáy, khó chịu.

- Trong nhiều trường hợp, da bị nứt nẻ và chảy máu.

- Đôi khi, rụng tóc có thể xảy ra: Tuy nhiên, điều này thường do gãi, chà xát quá mạnh tổn thương. Tóc sẽ mọc lại khi vảy nến được điều trị.

Vảy nến trên da đầu có thể chỉ là tổn thương nhỏ nhưng một số trường hợp, nó có thể lan rộng ra trán, sau gáy và tai. Điều này gây rất nhiều phiền toái cho người mắc.

Vảy nến da đầu có lây không?

Khi nhìn thấy các tổn thương bong tróc vảy ở da đầu, nhiều người thường lo lắng và đặt ra thắc mắc: Vảy nến da đầu có lây không? Tuy nhiên, tương tự vảy nến ở các vị trí khác, vảy nến da đầu KHÔNG lây nhiễm từ người này sang người khác. Do vậy, bạn có thể tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay, dùng chung đồ dùng với người bị vảy nến mà không cần phải lo lắng mình sẽ lây bệnh.

Vảy nến không lây nhiễm, vậy tại sao số người mắc vảy nến ngày càng tăng? Dưới đây là một số yếu tố khiến vảy nến bùng phát mạnh mẽ:

- Rối loạn miễn dịch: Bình thường, hệ miễn dịch có tác dụng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tấn công các yếu tố ngoại lai như virus, vi khuẩn. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào biểu bì da, gây tăng sinh mạnh mẽ. Chúng liên tục được tạo ra, chết đi và tích tụ trên bề mặt da nhưng không thể rơi ra ngoài cơ thể, tạo thành các tổn thương sưng viêm, bong tróc vảy.

- Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến, bao gồm:

+ Yếu tố di truyền, lịch sử gia đình: Nếu bố hoặc mẹ mắc vảy nến, nguy cơ con bị bệnh là 8%. Nếu cả bố mẹ đều bị bệnh thì nguy cơ của con lên đến 41%. Nếu trong gia đình có người bị vảy nến thì nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác sẽ cao hơn. Khoảng 10% dân số mang gen vảy nến, 2 – 3% trong số này phát triển bệnh khi gặp các yếu tố nguy cơ sau đây:

+ Stress kéo dài: Đây là một trong những nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch. Những người bị căng thẳng, stress có nguy cơ mắc vảy nến nói riêng và các bệnh khác nói chung.

+ Uống rượu, bia quá nhiều: Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ, làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vảy nến mà còn làm giảm hiệu quả của một số thuốc điều trị.

+ Hút thuốc lá.

+ Chấn thương da như các vết tiêm, hình xăm có thể kích hoạt bùng phát vảy nến. Đây là hiện tượng Koebner gây vảy nến.

+ Sử dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực,… làm tăng nguy cơ bị vảy nến.

+ Da bị cháy nắng.

+ Đã từng bị nhiễm khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn, HIV làm tăng nguy cơ mắc vảy nến.

Cải thiện vảy nến da đầu với các bí quyết siêu đơn giản tại nhà

Vảy nến da đầu nói riêng cũng như vảy nến nói chung hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng có rất nhiều biện pháp giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả, bao gồm:

Chế độ ăn uống lành mạnh

Các loại vitamin như A, D giúp hạn chế sự phát triển lan rộng của bệnh vảy nến rất hiệu quả, do đó người bị vảy nến da đầu nên bổ sung 2 loại vitamin này từ nguồn thực phẩm tự nhiên như: Dầu cá, hoa anh thảo, sò, nấm, đu đủ,…

Dưỡng ẩm da đầu

Da bị khô sần gây ngứa ngáy là đặc trưng của bệnh vảy nến da đầu. Người bệnh có thể khắc phục triệu chứng này bằng cách thoa kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da của mình. Bạn nên tìm ra loại da của bản thân (da khô, da dầu, da hỗn hợp) để lựa chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp. Ngoài ra, người bệnh có thể thoa dầu oliu để dưỡng ẩm cũng như ngăn ngừa vảy nến da đầu trầm trọng và không lan rộng ra các vị trí khác trên cơ thể.

Tắm gội bằng nước ấm

Tắm rửa hàng ngày với nước ấm vừa phải và không quá nóng có tác dụng làm dịu nhanh cơn ngứa ngáy, khó chịu cho người bị vảy nến. Bạn có thể thêm một chút muối biển, muối Epsom để tăng cường khả năng kháng khuẩn cho da hiệu quả. Tuy nhiên, nên dưỡng da ngay sau khi sử dụng để tránh làm khô da.

Sử dụng dầu vitamin E

Vitamin E giúp chống lão hóa da và phục hồi làn da bị tổn thương. Việc bổ sung loại vitamin này cũng giúp ích rất nhiều cho người bị vảy nến.

Sử dụng muối biển và giấm táo

Muối có tính sát khuẩn nên người bệnh có thể pha loãng một chút muối với nước, sau đó bôi nên vùng da đầu bị vảy nến 3 - 4 lần/ngày để làm sạch vùng da bị bệnh. Ngoài ra, giấm táo cũng là nguyên liệu giúp kháng viêm hiệu quả, do đó, bạn có thể pha giấm táo với nước theo tỷ lệ 1:1 rồi thoa lên vùng da đầu bị vảy nến, để nguyên trong 20 phút, sau đó rửa lại với nước.

Uống nhiều nước

Cơ thể con người chứa khoảng 70% là nước, do đó việc cung cấp đủ nước sẽ giúp tăng cường độ ẩm cho da từ bên trong. Điều này rất có ích cho việc điều trị vảy nến. Bạn nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày để cơ thể luôn khỏe mạnh