Khi mắc bệnh vảy nến nên ăn gì là thắc mắc của rất nhiều người. Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng những triệu chứng của vảy nến khiến người mắc cảm thấy tự ti, xấu hổ, ngại giao tiếp. Một chế độ ăn uống giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh là vô cùng cần thiết. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua bài viết dưới đây để có được những tư vấn hữu ích đến từ chuyên gia nhé!
Nhận biết bệnh vảy nến bằng cách nào?
Các mảng khô, dày và nổi lên trên da là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh vảy nến. Tuy nhiên, bệnh có rất nhiều thể vảy nến khác nhau, mỗi thể sẽ có triệu chứng riêng biệt. Do đó, nhận biết chính xác triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn có phương án điều trị phù hợp. Những thể bệnh vảy nến phổ biến bao gồm:
- Vảy nến thể mảng: Chiếm khoảng 80% - 90% những người mắc bệnh vảy nến. Khi bệnh vảy nến mảng xuất hiện, bạn có thể thấy các mảng da dày, nổi lên gọi là mảng bám, có vảy bong tróc trên những tổn thương, da bị sưng, viêm, đỏ, gây ngứa rát. Mảng bám thường hình thành trên da đầu, khuỷu tay, đầu gối hoặc vùng lưng dưới.
- Vảy nến da đầu: Các mảng bám hình thành trên da đầu và có thể vượt ra ngoài đường chân tóc ra trán, sau gáy và sau tai. Tổn thương có dạng vảy, giống như gàu; da đỏ, ngứa ngáy. Một số trường hợp xuất hiện tình trạng rụng tóc nhưng tóc thường sẽ mọc lại sau khi bệnh được điều trị.
- Vảy nến thể giọt: Khi mắc loại vảy nến này, bạn thường thấy những vết sưng nhỏ xuất hiện trên da khá đột ngột. Các vết sưng có xu hướng xuất hiện ở phần thân, chân và cánh tay.
- Vảy nến đảo ngược: Loại vảy nến này phát triển ở những nếp gấp da như nách, bộ phận sinh dục và nếp nhăn của mông. Triệu chứng của vảy nến loại này là da có các mảng mịn, đỏ tươi, gây đau rát,…
- Vảy nến mủ: Loại vảy nến này gây ra các mụn có mủ trắng, kèm theo đau rát. Nó thường chỉ xuất hiện ở bàn chân và bàn tay.
- Vảy nến toàn thân: Đây là loại vảy nến nghiêm trọng, với các triệu chứng bao gồm: Da trên cơ thể đỏ rát, giống như bị cháy, ớn lạnh, sốt và ốm yếu, ngứa dữ dội, hạ thân nhiệt,…
- Vảy nến thể móng: Nhiều người nghĩ rằng, vảy nến chỉ xuất hiện ngoài da, nhưng trong một số trường hợp, bệnh còn ảnh hưởng đến móng, khiến móng bị đổi màu thành trắng đục hoặc vàng nhạt; bề mặt móng bị rỗ; thậm chí móng bong ra.
- Viêm khớp vảy nến: Một số người bị vảy nến còn phát triển cả viêm khớp. Điều này có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn bị bệnh vảy nến nặng. Vảy nến khớp có thể khiến một hoặc nhiều khớp bị sưng, tấy đỏ, đau,…
Bị bệnh vảy nến nên ăn gì?
Với bệnh vảy nến, chế độ ăn nhiều thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm người bị vảy nến nên sử dụng:
Hoa quả và rau
Đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm căng thẳng, chống oxy hóa và chống viêm. Một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả được khuyến khích đối với người mắc bệnh vảy nến. Những thực phẩm nên ăn bao gồm: Bông cải xanh, súp lơ và mầm Brussels, rau lá xanh như cải xoăn, rau bina; Các loại quả mọng (quả việt quất, dâu tây, quả mâm xôi, anh đào, nho) và những loại trái cây khác.
Các loại cá chứa nhiều omega - 3
Cá hồi, cá mòi, cá tuyết,... là những loại cá chứa nhiều vitamin D và omega - 3 có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, các chuyên gia cho biết, bổ sung những thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp giảm viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, các loại cá này cũng giàu kẽm nên rất tốt cho da, giúp cải thiện triệu chứng của bệnh vảy nến.
Các loại dầu tốt cho tim
Giống như cá béo, một số loại dầu thực vật cũng chứa axit béo chống viêm giúp cải thiện bệnh vảy nến. Điều quan trọng là tập trung vào các loại dầu có tỷ lệ axit béo omega - 3 và omega - 6 cao hơn. Chúng bao gồm: Dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạt lanh,…
Ngũ cốc nguyên hạt
Cũng giống như các loại trái cây và rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ. Những thành phần này góp phần làm giảm phản ứng viêm và cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến hiệu quả.
Cách chăm sóc da khi bị vảy nến
Để điều trị bệnh vẩy nến hiệu quả, bên cạnh việc sử dụng thuốc đều đặn, áp dụng chế độ ăn uống khoa học, bạn cần phải có các bước chăm sóc da đúng cách. Bạn có thể ngâm mình (hoặc phần da bị vẩy nến) trong nước ấm từ 10 đến 15 phút, sau đó bôi thuốc dưỡng ẩm để giúp da mềm mại và ẩm hơn. Lưu ý khi chăm sóc da:
- Khi phơi nắng, dù tia cực tím chưa đủ để làm cháy nắng làn da của bạn nhưng cũng sẽ gây thương tổn cho da. Vì vậy, bạn cần tránh tiếp xúc với tia cực tím càng nhiều càng tốt.
- Ngoài ra, để tránh bệnh vảy nến phát triển và lan rộng, bạn không được làm tổn thương da, tránh côn trùng cắn, tránh để nhiễm vi khuẩn và vi rút, cháy nắng, stress, bia, rượu...
- Nếu bệnh vảy nến trở nên nặng và khó chữa, bạn có thể chọn phương pháp dùng tia PUVA kết hợp với thuốc trị vẩy nến. Tuy nhiên, cách này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.