Viêm khớp vảy nến là một thể nặng của bệnh vảy nến. Tuy nhiên, nhiều người vì thiếu hiểu biết, không điều trị sớm mà dẫn đến biến dạng khớp, thậm chí tàn tật. Vì vậy, bài viết sau sẽ đề cập tới vấn đề: Bệnh viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không và điều trị như thế nào, giúp bạn có những thông tin hữu ích để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến (hay vảy nến khớp) là một loại viêm khớp được phát hiện trên những người mắc bệnh vảy nến. Đây là tình trạng mạn tính. Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân gây bệnh viêm khớp vảy nến là do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Lúc này, hệ miễn dịch tấn công nhầm vào chính các tế bào và mô khỏe mạnh dẫn đến viêm trong khớp, đồng thời kích thích sự tăng sinh quá mức của các tế bào da.

Mặc dù lý do tại sao hệ miễn dịch lại đi tiêu diệt mô khỏe mạnh đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, nhưng dường như nó có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường sống. Khoảng 40% người mắc vảy nến khớp cũng có người thân trong gia đình gặp tình trạng này. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy nhiều dấu hiệu di truyền có liên quan đến sự khởi phát của bệnh.

Các yếu tố kích hoạt và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm:

- Chấn thương da: Vết trầy xước, viêm da hay nhiễm trùng da,... đều có thể kích hoạt bệnh viêm khớp vảy nến bùng phát.

- Nhiễm HIV/AIDS: Một người bị viêm khớp vảy nến thường phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng hơn sau khi nhiễm HIV/AIDS.

- Nhiễm liên cầu khuẩn: Khi xâm nhập vào cơ thể, liên cầu khuẩn có thể gây bệnh viêm khớp vảy nến, vảy nến thể giọt hay thể mảng,...

- Sử dụng chất kích thích: Hút thuốc lá, uống rượu bia đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp vảy nến ở nam giới.

- Thuốc tân dược: Một số loại thuốc như lithium, thuốc chẹn bêta, thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm,... khi sử dụng trong thời gian dài có thể kích hoạt bệnh phát triển, đặc biệt là ở những người có khuynh hướng di truyền.

Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?

Viêm khớp vảy nến được đánh giá là lành tính, ít nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể gây tác động xấu đến cơ thể như:

Ảnh hưởng lên hệ cơ xương

Cùng với sự thay đổi của da, phản ứng miễn dịch bất thường gây ra viêm khớp, ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương theo nhiều cách. Tình trạng viêm gây đau, cứng và sưng ở một hoặc nhiều khớp, làm khó khăn cho việc vận động khớp. Ngón tay và ngón chân có thể sưng lên và có hình dạng giống như xúc xích. Những người mắc vảy nến khớp thường sẽ bị đau cổ, lưng và khó uốn cong cột sống. Sụn ​​ở cuối xương có thể bị tổn thương do viêm mạn tính lâu dài. Các xương cọ sát vào nhau, gây thêm đau đớn và tổn thương khớp. Ngoài tổn thương xương, tình trạng viêm mạn tính còn ảnh hưởng đến dây chằng và gân xung quanh khớp.

Ảnh hưởng đến da, tóc và móng

Móng tay dày, sần sùi; Tóc yếu, dễ gãy rụng là những triệu chứng điển hình mà người mắc bệnh viêm khớp vảy nến có thể gặp phải.

Ảnh hưởng đến hệ hô hấp

Nếu viêm khớp vảy nến lan đến phổi, nó có thể gây ra bệnh phổi kẽ. Viêm trong phổi gây ra sẹo. Cuối cùng ảnh hưởng đến hơi thở và khả năng nhận đủ oxy vào cơ thể. Các triệu chứng bao gồm ho và mệt mỏi.

Ảnh hưởng đến hệ tim mạch

Theo Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, bệnh tim mạch là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người bị rối loạn viêm mạn tính, trong đó có vảy nến và viêm khớp vảy nến. Tình trạng viêm mạn tính làm hỏng các mạch máu, làm cho chúng dày lên, cứng hơn và gây ra sẹo. Điều này làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Ngoài ra, những người mắc bệnh vảy nến khớp thường có các yếu tố nguy cơ khác gây thêm áp lực cho các mạch máu và hệ thống tim mạch, chẳng hạn như: Béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao.

 Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Ngoài việc gây ra các triệu chứng thể chất, bệnh viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Những người bị bệnh có thể mắc chứng trầm cảm vì họ thường lo lắng về sức khỏe, tương lai và gia đình.

Bệnh vảy nến và viêm khớp vảy nến cũng có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và gây ra cảm giác bối rối, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị không kiểm soát đầy đủ những triệu chứng.

Cách điều trị viêm khớp vảy nến hiệu quả

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, với việc phát hiện sớm, bạn có thể sống chung với bệnh dễ dàng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay:

Sử dụng thuốc điều trị vảy nến toàn thân

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Những loại thuốc này giúp kiểm soát tình trạng đau khớp và sưng. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Kích ứng dạ dày, chảy máu dạ dày, đau tim, tổn thương gan thận...

- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)

Những loại thuốc này giúp giảm viêm, từ đó ngăn ngừa tổn thương khớp và làm chậm quá trình tiến triển của vảy nến khớp. Đây là các loại thuốc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Tác dụng phụ của DMARDs bao gồm: Tổn thương gan, ức chế tủy xương, nhiễm trùng phổi...

- Thuốc sinh học: Còn được gọi là thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF-alpha), ngăn chặn tác động của yếu tố hoại tử khối u protein- alpha. Điều này làm giảm viêm và cải thiện các triệu chứng như sưng đau, cứng khớp . Chúng được sử dụng bằng cách tiêm vào các khớp bị ảnh hưởng. Tác dụng phụ của phương pháp này là tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng khớp nhẹ.

- Thuốc ức chế miễn dịch: Các loại thuốc này giúp làm dịu phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức trong bệnh vảy nến khớp. Vì chúng làm suy yếu đáp ứng miễn dịch nên loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị vảy nến tại chỗ

Các loại kem, gel, kem dưỡng da và thuốc mỡ có thể làm giảm phát ban bệnh viêm khớp vảy nến. Các lựa chọn dành cho bạn bao gồm: Anthralin, vitamin D-3, axit salicylic, kem steroid,… Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể.

Biện pháp thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống

Bên cạnh sử dụng thuốc, người bị viêm khớp vảy nến cần:

- Bảo vệ khớp bằng cách tránh những hoạt động lặp đi lặp lại tại khớp, sử dụng công cụ hỗ trợ khi thực hiện các công việc hàng ngày.

- Giữ trọng lượng cơ thể ở mức cân đối. Tránh để cân nặng quá mức làm gia tăng áp lực và gánh nặng cho khớp.

- Tập thể dục hàng ngày để cải thiện cơ bắp, giữ cho các khớp luôn vận động trơn tru, linh hoạt. Bạn nên lựa chọn các bộ môn vừa sức và ít gây căng thẳng cho khớp như: Đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh hay đạp xe.

- Ngừng hút thuốc lá và hạn chế uống rượu nếu bạn không muốn tình trạng bệnh thêm tồi tệ.

- Uống nhiều nước, tăng cường rau xanh và trái cây trong bữa ăn để bổ sung chất chống oxy hóa và khoáng chất, giúp cho tổn thương nhanh phục hồi. Các thực phẩm giàu omega 3 (dầu ô liu, quả mọng, hạt óc chó,…) và vitamin D (nấm, đậu phụ, ngũ cốc, yến mạch, thịt thăn lợn…) cũng giúp hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng và phòng ngừa bệnh viêm khớp vẩy nến.

- Tránh ăn bánh mì trắng, đường tinh luyện, thịt đỏ, thực phẩm chế biến, các món cay, bởi tiêu thụ chúng quá nhiều có thể kích hoạt bệnh vảy nến bùng phát.