Vảy nến toàn thân là thể vảy nến hiếm gặp, chiếm 1 - 2,25% trong số các bệnh nhân vảy nến. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nam giới trưởng thành, tuy nhiên đối tượng khác cũng có thể mắc phải tình trạng này, bao gồm cả các trường hợp bẩm sinh. Vậy làm thế nào để nhận biết các triệu chứng cũng như cách điều trị vảy nến toàn thân hiệu quả, tránh những biến chứng nguy hiểm? Mời bạn tìm hiểu trong bài viết sau! 

Triệu chứng bệnh vảy nến toàn thân

Bệnh vảy nến toàn thân (vảy nến đỏ da toàn thân) là loại bệnh không phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường rất dữ dội. Chúng có thể xuất hiện đột ngột khi bắt đầu một trường hợp mới của bệnh vảy nến hoặc phát triển dần dần trong một đợt bùng phát bệnh vảy nến mảng bám.

Các triệu chứng của bệnh vảy nến toàn thân bao gồm:

- Đỏ da nghiêm trọng trên một phần lớn của cơ thể;

- Bong da xảy ra ở những mảng lớn;

- Xuất hiện mụn mủ hoặc mụn nước trên tổn thương da;

- Da đỏ ửng, đau rát;

- Cảm giác ngứa rất dữ dội;

- Tăng nhịp tim;

- Dao động nhiệt độ của cơ thể.

Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trong đợt bùng phát bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến toàn thân có thể làm thay đổi hóa học của cơ thể. Vì lý do này, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như: Sưng phù, đặc biệt là xung quanh mắt cá chân; Đau khớp; Ớn lạnh hoặc sốt cao,…

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến toàn thân

Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến nói chung và vảy nến toàn thân nói riêng, nhưng thông qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm, họ cho rằng, bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Ở những người bị bệnh vảy nến, cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào T, đây là một loại tế bào bạch cầu thường chống lại vi khuẩn và virus. Trong bệnh vảy nến, các tế bào T này tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Kết quả là sự sản xuất quá mức của các tế bào da, tạo thành các mảng sưng viêm, đỏ, bong vảy trên da. Các triệu chứng của bệnh vảy nến chủ yếu xuất hiện trên da, nhưng tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến móng tay, khớp và những bộ phận khác của cơ thể.

Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ bị vảy nến toàn thân hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh bao gồm:

- Đột ngột ngừng điều trị bệnh vảy nến;

- Lạm dụng corticosteroid;

- Bị nhiễm trùng, đặc biệt là viêm họng liên cầu khuẩn;

- Da bị cháy nắng;

- Căng thẳng, stress kéo dài;

- Tiêu thụ rượu quá mức;

- Đã từng bị phản ứng dị ứng và phát ban;

- Sử dụng thuốc steroid đường uống.

Biến chứng của bệnh vảy nến toàn thân

Da hoạt động như lớp rào cản của cơ thể và nó rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Các tổn thương nghiêm trọng trên da trong bệnh vảy nến toàn thân sẽ phá vỡ toàn bộ môi trường của cơ thể. Điều này khiến cơ thể dễ bị biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

- Bệnh nặng do mất protein hoặc chất lỏng;

- Cơ thể sưng phù quá mức do giữ nước;

- Nhiễm trùng nặng, bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng huyết;

- Bị suy tim sung huyết;

- Biến chứng do nhiễm vi khuẩn có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Cách điều trị vảy nến toàn thân

Việc điều trị vảy nến toàn thân cần được tiến hành sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh, đừng chờ đợi để được giúp đỡ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Các bác sĩ sẽ cố gắng ngăn chặn sự bùng phát càng nhanh càng tốt và bảo vệ bạn khỏi các biến chứng. Một số biện pháp điều trị có thể được chỉ định bao gồm:

- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc được chỉ định sẽ phụ thuộc vào mức độ xấu của những triệu chứng cũng như bạn có các vấn đề sức khỏe khác hay không. Bạn có thể được chỉ định kết hợp một hoặc nhiều loại thuốc: Cyclosporine, Infliximab hoặc Infliximab-abda và Infliximab-dyyb. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tấn công của các tế bào miễn dịch ngoài tầm kiểm soát. Bác sĩ cũng có thể kê acitretin  hoặc  methotrexate để kiểm soát sự phát triển của tế bào. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một loại thuốc ức chế miễn dịch như: Adalimumab, adalimumab-atto, brodalumab, etanercept, etanercept-szzs, guselab, secukinumab hoặc ustekinumab.

Những loại thuốc này rất mạnh và có thể có nhiều tác dụng phụ. Hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu xem chúng có phù hợp với bạn không. Hãy chắc chắn rằng, bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bạn và các tác dụng phụ khi dùng thuốc.

- Điều trị tại chỗ. Để làm dịu làn da từ bên ngoài, bạn có thể sử dụng: Kem steroid hoặc kem dưỡng ẩm thuốc mỡ,…

Ngoài ra, bạn có thể cần phải sử dụng các loại thuốc: Kháng sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, thuốc giảm đau, thuốc kiểm soát ngứa, thuốc làm giảm lo lắng,… để kiểm soát tốt tình trạng vảy nến toàn thân.