Vẩy nến là bệnh ngoài da có nhiều thể với những đặc điểm nhận diện khác nhau. Trong các thể bệnh này, vẩy nến toàn thân là loại bệnh hiếm gặp và nguy hiểm nhất. Vậy, làm thế nào để phát hiện và điều trị vẩy nến toàn thân hiệu quả nhất? Hãy dành ra 5 phút tìm hiểu về loại bệnh này trong bài viết sau!
Triệu chứng bệnh vẩy nến toàn thân
Vẩy nến toàn thân (vảy nến toàn thân, vẩy nến đỏ da toàn thân) là dạng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Các triệu chứng bệnh có thể khởi phát đột ngột, không thể lường trước hoặc phát triển sau khi bạn bị vẩy nến thể mảng.
Khác với các triệu chứng của bệnh vẩy nến khác thường chỉ gây ra tổn thương khu trú ở một số vị trí trên cơ thể, vẩy nến toàn thân ảnh hưởng đến da ở toàn bộ cơ thể với các dấu hiệu như sau:
- Da toàn thân đỏ rực như tôm luộc và đau đớn.
- Có vẩy trắng bao phủ toàn thân.
- Da có thể xuất hiện mụn mủ hoặc mụn nước.
- Ngứa dữ dội.
- Ngoài các triệu chứng trên, người mắc có thể có dấu hiệu như: Tăng nhịp tim, khó kiểm soát nhiệt độ, đau khớp, sốt và ớn lạnh.
Nguyên nhân gây vẩy nến toàn thân
Tính đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây vẩy nến toàn thân nói riêng và bệnh vẩy nến nói chung. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định, vẩy nến có thể liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch.
Vẩy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Thông thường, tế bào bạch cầu T của hệ miễn dịch sẽ tấn công các yếu tố xâm nhập gây bệnh như virus, vi khuẩn nhưng khi bị vẩy nến, tế bào bạch cầu tấn công nhầm tế bào da khỏe mạnh của cơ thể, khiến tế bào da tăng sinh nhanh chóng, chết đi, hình thành lớp vẩy trên da và tạo thành mảng tổn thương đỏ, ngứa ngáy, đôi khi nứt nẻ và chảy máu.
Ngoài nguyên nhân trên, vẩy nến toàn thân có thể bùng phát do một số yếu tố nguy cơ sau đây:
- Đã từng bị vẩy nến thể mảng: Nếu đã từng bị vẩy nến loại này, bạn có nguy cơ cao mắc vẩy nến toàn thân.
- Không điều trị bệnh vẩy nến thể mảng đúng cách.
- Đột ngột ngừng sử dụng một số loại thuốc điều trị vẩy nến.
- Sử dụng quá nhiều rượu, bia.
- Dùng một số loại thuốc điều trị như thuốc điều trị tăng huyết áp, điều trị rối loạn lưỡng cực,...
- Đã từng bị nhiễm trùng như bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm HIV,…
- Da bị cháy nắng, tổn thương như vết trầy xước, vết cào, xăm hình trên da,…
- Hút thuốc lá,…
- Stress, căng thẳng kéo dài.
- Sử dụng thuốc uống steroid.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Bệnh vẩy nến toàn thân có nguy hiểm không?
Có thể khẳng định, vẩy nến toàn thân là thể bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể biến chứng nặng nề lên các cơ quan nội tạng, thậm chí là gây tử vong. Biến chứng có thể đến từ bệnh và các thuốc điều trị.
Làn da giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, loại bỏ vi khuẩn, độc tố và giữ ẩm nên rất quan trọng. Tuy nhiên, khi bị vẩy nến toàn thân, làn da không đảm bảo được các chức năng trên, gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Hạ thân nhiệt quá mức, cơ thể mất nước và protein. Ngoài ra, bệnh có thể gây biến chứng như nhiễm trùng huyết và viêm phổi. Trong trường hợp mất quá nhiều chất lỏng trong cơ thể, tim sẽ không đủ máu để bơm, dẫn đến sốc, suy thận và suy tim.
Cách điều trị vẩy nến toàn thân hiệu quả
Vẩy nến hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chỉ giúp quản lý, kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Khi nhận thấy các dấu hiệu da đỏ rát, bong vẩy, người nhà nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Dựa vào mức độ bệnh, một số chỉ định điều trị có thể được áp dụng bao gồm:
Sử dụng thuốc điều trị toàn thân
Khi bị vẩy nến toàn thân, người mắc có thể được chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, làm chậm sự phát triển của tế bào da, thuốc chống viêm,… Chúng sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng trên da. Tuy nhiên, hãy tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị đã được hướng dẫn, bởi các loại thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và nguy cơ tương tác thuốc rất cao.
Điều trị tại chỗ
Trong nhiều trường hợp, để làm dịu làn da bỏng rát do vẩy nến toàn thân, người mắc có thể được chỉ định sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ dưỡng ẩm. Đây là những thuốc giúp bong sừng bạt vẩy, chống viêm nên có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng đỏ rát, đau đớn. Tuy nhiên, hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định của chuyên gia bởi nhiều loại thuốc thoa lên các vùng da nhạy cảm sẽ gây teo da, giãn mạch máu dưới da,… không thể phục hồi.
Thay đổi lối sống
Ngoài các biện pháp trên, người bị vẩy nến cần có lối sống khoa học, lành mạnh như: Kiểm soát căng thẳng; Tránh uống rượu; Bỏ hoặc không hút thuốc lá; Có chế độ ăn uống khoa học; Tăng cường vận động ít nhất 30 phút/ngày,…