Vảy nến ở mặt thực sự là nỗi ám ảnh của rất nhiều người khi không chỉ khiến người mắc cảm thấy tự ti, mặc cảm mà còn có khả năng gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm toàn thân. Vậy triệu chứng cụ thể của bệnh lý này ra sao và làm cách để cải thiện nhanh chóng mà hiệu quả nhất? Mời bạn tham khảo ngay những thông tin sau đây!
Thế nào là bệnh vảy nến ở mặt?
Vảy nến ở mặt là một trong những bệnh da liễu mạn tính khá phổ biến hiện nay, hình thành do sự rối loạn hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Do một tác nhân bất thường nào đó khiến hệ miễn dịch nhận diện nhầm các tế bào da trên mặt và tấn công chúng, dẫn đến kích thích những tế bào này tăng sinh mạnh mẽ nhưng chưa kịp bong ra mà tích tụ dần thành đám sưng đỏ, có khi gây ngứa.
Theo nghiên cứu, vảy nến ở mặt và cả những vùng da khác có khả năng di truyền, khoảng 40% trường hợp nhiễm bệnh đều có người thân đã từng mắc phải. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng này, chẳng hạn:
- Nhiễm trùng.
- Thiếu vitamin D.
- Vận động ít.
- Hút thuốc, uống nhiều rượu bia.
- Béo phì.
- Tác dụng phụ một số loại thuốc.
- Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài.
Vảy nến ở mặt biểu hiện ra sao?
Các đám vảy da thường xuất hiện nhiều ở các khu vực như: Vùng trán, đường chân tóc, lông mày,... Tùy thuộc vào từng vị trí trên khuôn mặt mà các biểu hiện của bệnh cũng khác nhau, bao gồm:
Trên mắt
- Vảy da có thể che phủ mí mắt làm hạn chế khả năng nhìn.
- Mắt bị viêm, khô.
- Vùng da quanh mắt bị tấy đỏ, có thể đóng vảy và chảy máu.
- Đau khi mở - nhắm mắt.
Tại miệng
Bạn có thể gặp phải những tổn thương màu trắng xám trên lợi hoặc lưỡi, bên trong má hoặc cả trên môi.
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở mặt hiện nay
Trên thực tế, da mặt không giống như các vùng da khác trên cơ thể vì mỏng mịn và nhạy cảm hơn. Do đó, với bệnh vảy nến trên mặt, tùy từng vùng da mà cần lựa chọn các biện pháp an toàn và giúp cải thiện nhanh chóng.
Sử dụng thuốc
- Các loại thuốc dưới dạng mỡ hoặc kem bôi chứa corticosteroid tuy giúp người mắc cải thiện được tình trạng ngứa ngáy, bong vảy trong thời gian ngắn nhưng nếu sử dụng kéo dài thì có gây nên hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí là bệnh có thể tái phát với biểu hiện nghiêm trọng hơn. Cùng với đó, cần cẩn trọng khi bôi tại vùng da xung quanh mắt vì có thể gây nên tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể nếu dính vào mắt.
- Vitamin D tổng hợp (calcipotrien): Giúp làm chậm sự phát triển của các tế bào da tương đối tốt nhưng cũng có thể gây kích ứng trên mặt. Hiện nay, calcitriol mới được nghiên cứu và sử dụng cho người bị vảy nến ở mặt cho thấy hiệu quả với làn da nhạy cảm tốt hơn.
- Retinoids (ví dụ tazarotene): Có khả năng loại bỏ vảy da và làm giảm viêm nhưng cũng dễ gây kích ứng.
- Nhóm thuốc ức chế miễn dịch có một số hoạt chất chính thường được kê đơn như crisaborole, pimecrolimus, tacrolimus,... Chúng không gây ra tác dụng phụ như nhóm corticosteroid mà chỉ gây nên một số biểu hiện dị ứng, nổi mẩn, đau cổ họng,... Một số trường hợp có hiện tượng sưng viêm mắt, khô mắt thì cần dùng thêm kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn (nếu có).
- Axit salicylic: Nổi tiếng với khả năng làm sạch da, loại bỏ vảy, nhờ đó giúp kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả.
- Các loại kem dưỡng ẩm: Mặc dù không thể chữa lành vảy nến nhưng những sản phẩm này có thể làm cho làn da bạn bớt khô ráp, đóng vảy, giúp da mềm mịn, đỡ ngứa hơn.
Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh thường xuyên bằng nước muối sinh lý để kháng khuẩn và giảm đau.
Một số lưu ý khi dùng thuốc trên mặt
- Sử dụng với lượng nhỏ và tán đều thành lớp mỏng. Hãy cẩn thận khi bôi kem và thuốc mỡ quanh mắt vì tùy làn da mà có thể gây nên kích ứng khác nhau.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn của chuyên gia để sử dụng thuốc hiệu quả và ngăn ngừa tác dụng phụ, đặc biệt là với corticosteroid.
- Trong trường hợp bạn muốn che đi những “khuyết điểm” này trên khuôn mặt, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia vì hiện nay đã có một số sản phẩm có thể giúp bạn thực hiện điều này.
Quang trị liệu
Bạn cũng có thể lựa chọn phương pháp điều trị khác bằng tia cực tím (UV), giúp giảm sưng viêm và làm chậm sự phát triển của tế bào da, bao gồm:
- Điều trị bằng tia UVB.
- Điều trị bằng tia UVB băng hẹp.
- Phương pháp Goeckerman (kết hợp sử dụng nhựa than với điều trị tia UVB).
- Trị liệu PUVA (dùng thuốc psoralen trước khi điều trị bằng UVA để tăng độ nhạy cảm của làn da với ánh sáng).
- Laser tập trung.