Vảy nến là bệnh tự miễn, chủ yếu ảnh hưởng đến da của người bệnh. Tuy nhiên, vảy nến còn ảnh hưởng đến xương khớp, móng. Rất nhiều người bị vảy nến móng tay nhưng thực sự chưa biết chính xác dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hiệu quả thể bệnh này. Nếu bạn đang có cùng băn khoăn trên thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây.

Triệu chứng bệnh vảy nến móng tay

Bệnh vảy nến móng tay có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của một hoặc nhiều móng tay. Thông thường khi bị bệnh, người mắc có thể gặp phải các biểu hiện từ nhẹ đến nặng sau:

- Giai đoạn 1: Vùng da xung quanh móng tay thay đổi màu sắc thành màu vàng, xanh hoặc nâu sậm. Đồng thời xuất hiện các đốm trắng trên hoặc dưới móng tay.

- Giai đoạn 2: Móng tay có  biến dạng nhẹ. Cụ thể, trên hoặc trong móng xuất hiện các rãnh hoặc những đường lằn. Ngoài ra, bề mặt móng tay còn hình thành các vết rỗ với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

- Giai đoạn 3: Khi bệnh có chuyển biến nặng, các lớp vảy trắng sẽ hình thành phía bên dưới móng tay, khiến móng tách khỏi lớp thịt bên dưới.

- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn bệnh nặng nhất. Lúc này, phần thịt dưới móng bị tách ra, gây tổn thương và khiến móng hư tổn nghiêm trọng. Khi đó, móng tay sưng và dày lên gấp 2 - 3 lần trạng thái móng tay bình thường, thậm chí tách khỏi móng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống của người mắc.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến móng tay

Đến nay, nguyên nhân gây vảy nến móng tay chưa được các nhà khoa học xác định chính xác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, có đến 80 – 90% người mắc vảy nến thể mảng bị vảy nến móng tay. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, 70 – 80% bệnh nhân viêm khớp vảy nến xuất hiện tình trạng vảy nến ở móng tay.

Ngoài ra, vảy nến móng tay có thể bùng phát hoặc trầm trọng thêm do các yếu tố sau đây:

- Do hệ thống miễn dịch suy yếu tấn công nhầm các tế bào của cơ thể, trong đó có tế bào móng.

- Yếu tố di truyền: Nếu cha mẹ mắc bệnh vảy nến móng tay thì khả năng con cái sinh ra mắc phải căn bệnh này khá cao.

- Môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại.

- Bị căng thẳng và stress thường xuyên.

- Có tiền sử mắc các bệnh lý về da tại ngón tay trước đó và không được điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng.

- Hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu, bia.

Cách điều trị bệnh vảy nến móng tay hiệu quả

Bệnh vảy nến móng tay không phải lúc nào cũng gây đau nhức nhưng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm và khiến người mắc tự ti, mặc cảm.

Khi có các dấu hiệu bất thường ở móng, đặc biệt là da bong tróc, sưng viêm, bạn cần đến các cơ sở y tế để được chuyên gia khám, xác định chính xác bệnh và mức độ nặng nhẹ để có biện pháp chữa trị phù hợp, nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.

Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến móng tay thường được bác sĩ chỉ định, bao gồm:

Điều trị tại chỗ bằng thuốc bôi

Trong trường hợp bệnh vảy nến móng tay ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể sử dụng các loại kem, thuốc bôi ngoài da sau đây để cải thiện triệu chứng bệnh. Corticosteroid, tazarotene, calcipotriol (tương tự như vitamin D3), tacrolimus,…

Quang hóa trị liệu

Phương pháp vật lý trị liệu chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới khởi phát. Thông thường, bác sĩ sẽ rọi đèn tia cực tím để chữa bệnh vảy nến móng tay. Các tia cực tím sẽ giúp tiêu diệt mầm mống gây bệnh, đồng thời giúp tái tạo tế bào da mới, tăng tính thẩm mỹ cho làn da chỗ móng tay.

Điều trị toàn thân bằng thuốc uống hoặc tiêm

Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp bệnh chuyển nặng, gây ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm hoặc làm việc của ngón tay. Một số loại thuốc điều trị toàn thân giúp làm giảm triệu chứng bệnh vảy nến móng tay như: Methotrexate acitretin, cyclosporine, apremilast,…

Bên cạnh thuốc uống, bác sĩ có thể yêu cầu người mắc điều trị vảy nến móng tay bằng các loại thuốc tiêm tĩnh mạch như Otezla, tiêm corticosteroid,… Tuy nhiên, thuốc chỉ được tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để tránh tác dụng phụ.

Biện pháp phòng ngừa vảy nến móng tay tái phát

Sau khi điều trị bệnh vảy nến móng tay, người mắc nên có biện pháp phòng ngừa, chăm sóc móng tại nhà để ngăn ngừa bệnh tái phát. Cụ thể:

- Cắt ngắn móng tay để không bị tổn thương.

- Bảo vệ móng tay bằng cách đeo găng tay mỗi khi làm việc nhà như rửa chén, giặt đồ hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại.

- Không nên làm sạch móng tay bằng bàn chải móng hoặc vật sắc nhọn để ngăn ngừa vi khuẩn, nấm gây bệnh xâm nhập vào móng.

- Sử dụng kem dưỡng ẩm trên móng tay và lớp biểu bì, lớp da chết ở gốc ngón tay. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng khô da và bong tróc, nứt ở móng tay.

- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, giàu chất chống oxy hóa, kẽm, beta carotene và folate để thúc đẩy sản sinh tế bào da mới khỏe mạnh và hạn chế nhiễm trùng.

- Luôn giữ tâm lý thoải mái, tốt nhất nên có kế hoạch cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.