Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính trên da mà hầu hết chúng ta đều biết tới. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của tình trạng này đến sức khỏe và cuộc sống thì còn rất nhiều điều cần lưu tâm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cụ thể và chi tiết nhất về vảy nến, từ đó giúp bạn khắc phục hiệu quả, nhanh chóng.
Bệnh vảy nến là gì?
Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 2-3% tổng số người mắc bệnh vảy nến, gặp phải trong độ tuổi từ 10-50, giữa nam và nữ có tỷ lệ tương đương.
Trong tài liệu của Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia có định nghĩa: Bệnh vảy nến nhẹ là ảnh hưởng ít hơn 3% diện tích cơ thể, 3-10% được coi là mức độ vừa, trên 10% thì được coi là nghiêm trọng. Số liệu gần đây nhất cho thấy, gần một phần tư trường hợp mắc vảy nến từ trung bình đến nặng. Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến cũng được đo lường bằng sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Hiện nay, tuy chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh nhưng nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, sự suy yếu của hệ thống miễn dịch là yếu tố hàng đầu khiến bệnh bùng phát. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch nhận diện nhầm các tế bào biểu bì là những tác nhân lạ và tấn công, khiến chúng tăng sinh và chết đi nhanh chóng, nhưng chưa kịp bong ra mà xếp chồng lên nhau, tạo thành những mảng sưng đỏ, đóng vảy, ngứa ngáy.
Phân loại bệnh vảy nến
Qua nhiều nghiên cứu, giới chuyên gia đã chia bệnh vảy nến thành 5 thể điển hình, bao gồm:
Vảy nến thể mảng: Đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh và xuất hiện dưới dạng các mảng da màu đỏ nổi trên bề mặt da, kèm theo sự tích tụ của những vảy da chết màu trắng bạc. Những tổn thương này thường xuất hiện trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay và lưng dưới. Chúng còn gây cảm giác ngứa ngáy, đau đớn, đôi khi có thể nứt ra và chảy máu.
Vảy nến thể giọt (Guttate): Tình trạng này xuất hiện dưới dạng các tổn thương nhỏ, giống như vết chấm. Bệnh vảy nến Guttate thường bắt đầu ở thời thơ ấu hoặc hết vị thành viên, có thể được kích hoạt bởi nhiễm trùng do các cầu khuẩn. Đây là loại vảy nến phổ biến thứ hai, sau thể mảng. Theo thống kê, khoảng 10% những người bị bệnh vảy nến sẽ phát triển thành vảy nến thể giọt.
Vảy nến nghịch đảo: Triệu chứng điển hình của tình trạng này là tổn thương màu đỏ ở các nếp gấp của cơ thể, chẳng hạn như: Phía sau đầu gối, dưới cánh tay,... Bạn cũng có thể mắc phải những thể khác khi bị vảy nến nghịch đảo.
Vảy nến thể mủ: Bệnh lý này có đặc điểm là xuất hiện mụn mủ trắng (nhưng vỡ ra không gây nhiễm trùng hay lây sang người khác) được bao quanh bởi viền da đỏ. Bệnh vảy nến mủ có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhưng xuất hiện thường xuyên nhất ở tay hoặc chân.
Vảy nến da đỏ toàn thân (Erythrodermic): Là một dạng bệnh vảy nến đặc biệt nghiêm trọng khiến da bị sưng đỏ, lan rộng trên hầu khắp cơ thể. Nó có thể gây ngứa và đau dữ dội, làm cho bong da. Tỷ lệ bị bệnh rất hiếm, chỉ xảy ra ở khoảng 3% tổng số ca mắc vảy nến trong suốt cuộc đời của họ, thường xuất hiện ở những người bị bệnh vảy nến mảng bám không ổn định.
Bệnh vảy nến có ảnh hưởng như thế nào đến người mắc?
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà bệnh vảy nến còn gây đảo lộn cuộc sống của người mắc, tổn thương đến tâm lý của họ.
Gây tổn thương cấu trúc da
Đây là đặc điểm có thể dễ dàng nhận thấy. Khi bị vảy nến, sự rối loạn hệ thống miễn dịch khiến tế bào biểu bì da tăng sinh và chết đi nhanh chóng, tuy nhiên, chúng không tự bong kịp nên xếp chồng lên nhau, tích tụ dần, gây tổn thương thành từng mảng đóng vảy.
Điều này không chỉ gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho người mắc mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc thường ngày. Nhất là ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ.
Nhiễm trùng nặng
Tình trạng này thường gặp phải khi bị vảy nến thể mủ nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể, khi các mụn mủ tự vỡ ra hoặc do tác động nào đó (chấn thương, ma sát với quần áo,...), nếu không được chăm sóc cẩn thận dễ khiến da bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường, gây viêm da cấp tính, thậm chí còn bị nhiễm trùng tới máu vô cùng nguy hiểm.
Tổn thương đến khớp
Theo thống kê, 10-30% người mắc vảy nến có thể bị viêm khớp và ảnh hưởng tới cột sống sau đó. Điều này không chỉ gây nên hiện tượng đau, cứng khớp (thường gặp vào sáng sớm), khiến người mắc di chuyển khó khăn, mà nguy hiểm hơn còn có thể khiến khớp bị biến dạng, làm mất khả năng cử động, gây liệt chi.
Ăn uống, sinh hoạt khó khăn
Thực tế, bên cạnh một số thực phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh thì bạn cần chú ý những thức ăn tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng triệu chứng bệnh. Do vậy, người mắc vảy nến phải rất chú ý đến chế độ dinh dưỡng.
Ngoài ra, tình trạng ngứa ngáy cũng khiến nhiều người rất khó chịu, không ngừng cào gãi, ngủ không ngon giấc.
Tâm lý người mắc bị tác động không nhỏ
Những người bị vảy nến thường cảm thấy tự ti, lo lắng trước làn da xấu xí – thương tổn của bệnh vảy nến gây ra. Điều này khiến họ stress, căng thẳng quá mức, nhiều khi dẫn tới trầm cảm, chính điều này sẽ làm tình trạng bệnh ngày càng tiến triển xấu và khó điều trị.