Vảy nến hồng (vảy nến phấn hồng, vảy phấn hồng) là bệnh da liễu khá phổ biến và khiến người mắc tự ti, mặc cảm. Vậy, bệnh vảy nến hồng có lây không, làm thế nào để phát hiện cũng như điều trị hiệu quả? Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này thì đừng bỏ lỡ thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Vảy nến hồng là bệnh gì?
Vảy nến hồng là một trong những bệnh da liễu điển hình, nằm trong nhóm bệnh về da như: Vảy cá, vảy nến, á sừng… Vảy nến hồng thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên, trong đó đa phần đối tượng mắc là nữ giới. Bệnh xuất hiện với biểu hiện điển hình là những đốm hồng có dạng hình tròn hoặc bầu dục, kích thước ban thường từ 2 – 10 cm và xuất hiện ở những vị trí như: Ngực, bụng, lưng...
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các triệu chứng này sẽ lan rộng ra khắp cơ thể, bắt đầu từ những vùng da như cổ, cánh tay, đùi. Ở những người da sẫm màu, các ban hồng có lớp vảy tròn màu xám hoặc màu nâu đậm. Trong khi đó, ở người da trắng, các vảy tròn lại có màu hồng tươi đặc trưng. Bệnh thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân và tự biến mất trong vòng 10 tuần.
Phân loại theo mức độ, vảy nến hồng được chia thành các thể: Thể nhẹ, thể trung bình và thể nặng. Nếu các tổn thương 3 - 10% là bệnh ở mức độ trung bình. Còn nếu trên 10% thì vảy nến ở mức độ nặng. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ bệnh còn phải căn cứ vào chất lượng cuộc sống của người mắc.
Bệnh vảy nến hồng có lây không?
Vảy nến hồng có lây không là thắc mắc của nhiều người hiện nay. Đặc biệt là khi bệnh bùng phát, những chấm tròn có vảy màu hồng sẽ lan rộng toàn thân gây mất thẩm mỹ và khiến người xung quanh e ngại mỗi khi tiếp xúc. Tuy nhiên, các chuyên gia đã khẳng định, vảy nến hồng KHÔNG LÂY NHIỄM qua tiếp xúc như ôm, hôn, bắt tay hay dùng chung đồ với người mắc. Bởi vậy, những người xung quanh không nên lo lắng, e ngại khiến người mắc bị xa lánh, dẫn đến tự ti, chán nản.
Vảy phấn hồng tuy không lây nhiễm từ người này sang người khác, nhưng bệnh sẽ lan sang các khu vực khác nhau trên cơ thể. Ban đầu, bệnh sẽ xuất hiện ở khu vực cổ hoặc bụng. Các chấm tròn nhỏ màu hồng mọc tập trung một chỗ và tách biệt hoàn toàn với vùng da xung quanh. Nhưng sau đó, chúng sẽ tăng kích thước thành chấm tròn hình đồng xu hoặc hình bầu dục. Khi chịu các kích ứng từ môi trường bên ngoài hoặc do chính chủ thể, các vảy phấn hồng sẽ lan rộng khắp cơ thể, gây ngứa ngáy khó chịu và mất thẩm mỹ.
Những yếu tố khiến cho vảy nến hồng lây lan nhanh bao gồm: Hút thuốc lá, uống rượu bia, thường xuyên căng thẳng mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, sử dụng xà bông, sữa tắm có chất kích ứng da,… Khi đó, bệnh có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Vảy nến hồng điều trị như thế nào?
Mặc dù vảy nến hồng là bệnh ngoài da lành tính và có thể tự khỏi, nhưng lại khiến người mắc tự ti và mệt mỏi. Hiện nay, có một số biện pháp điều trị vảy phấn hồng như:
Quang hóa trị liệu
Đây là liệu pháp sử dụng ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng tia UV (UVA, UVB, PUVA) để chiếu lên các tổn thương da, từ đó giúp cải thiện bệnh. Phương pháp này được đánh giá là khá an toàn nhưng trong một số trường hợp, nó vẫn có thể gây ung thư da, bỏng da. Bên cạnh đó, chi phí điều trị tốn kém cũng khiến nhiều người không thể áp dụng được cách này.
Sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị vảy nến phấn hồng được nhiều người lựa chọn. Các loại thuốc thường có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch nên giúp cải thiện triệu chứng bệnh chỉ sau một vài ngày. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường gây ra nhiều tác dụng phụ với cơ thể.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh vảy nến hồng cần có lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, cụ thể:
+ Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Khi mắc vảy nến hồng, bạn nên hạn chế ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10h – 15h và có biện pháp che chắn như: Mặc quần áo dài tay, đeo kính, đội mũ, đi giày, thoa kem chống nắng,…
+ Ổn định tâm lý: Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Người mắc cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, mặc cảm, tự ti bởi điều này là tác nhân khiến bệnh thêm nặng hơn.
+ Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá, bởi những chất kích thích này làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh.
+ Tăng cường ăn rau xanh, ngũ cốc, hoa quả tươi, các loại cá,… Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ chiên rán, gia vị cay nóng,…
+ Tăng cường vận động: Điều này giúp bạn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cải thiện sức khỏe tổng thể và làm giảm triệu chứng vảy nến hồng hiệu quả.