Sự nguy hiểm của bệnh vảy nến đỏ da toàn thân

Vảy nến đỏ da toàn thân (vảy nến toàn thân) là loại vảy nến khá hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện đột ngột ngay khi bắt đầu hoặc tiến triển từ từ sau khi bị vảy nến thể mảng.

Các triệu chứng của bệnh vảy nến toàn thân bao gồm: Da đỏ rực như tôm luộc trên một vùng rộng lớn của cơ thể; Bên trên tổn thương có lớp vảy trắng bạc bao phủ; Xuất hiện mụn mủ hoặc mụn nước; Ngứa dữ dội; Da đỏ rát và đau đớn; Tăng nhịp tim; Khó kiểm soát nhiệt độ của cơ thể. Ngoài tình trạng trên, người mắc vảy nến toàn thân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như: Sưng phù, tập trung ở quanh mắt cá chân; Đau khớp; Sốt hoặc ớn lạnh.

Làn da giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, loại bỏ vi khuẩn, độc tố và giữ ẩm nên rất quan trọng với cơ thể. Khi bị vảy nến toàn thân, làn da không đảm bảo được các chức năng trên, gây ra những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng. Các biến chứng khi bị vảy nến toàn thân bao gồm: Hạ thân nhiệt đến mức nguy hiểm, mất protein và chất lỏng. Ngoài ra, vảy nến đỏ da toàn thân có thể gây biến chứng như nhiễm trùng huyết và viêm phổi; Nếu mất quá nhiều chất lỏng, tim sẽ không đủ máu để bơm, dẫn đến sốc, suy thận và suy tim.

hinh-anh-vay-nen-toan-than.jpg

Hình ảnh vảy nến toàn thân 

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến đỏ da toàn thân

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến đỏ da toàn thân nói riêng cũng như vảy nến nói chung chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia tin rằng, bệnh xảy ra do sự suy yếu của hệ miễn dịch kết hợp với các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống.

Vảy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do sự suy yếu của hệ miễn dịch, khi mà tế bào bạch cầu tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh của cơ thể thay vì vi khuẩn, virus. Điều này khiến các tế bào da tăng sinh nhanh chóng, chết đi, hình thành lớp vảy trên da và tạo thành mảng tổn thương đỏ, có vảy và ngứa ngáy.

Nếu bạn đã từng bị vảy nến mảng bám, bạn có nguy cơ bị vảy nến đỏ da toàn thân cao hơn, đặc biệt là nếu bệnh không được điều trị đúng cách. Vảy nến toàn thân có thể xuất hiện nếu bạn đột ngột ngừng dùng thuốc điều trị vảy nến toàn thân dạng uống. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ bị vảy nến toàn thân bao gồm: Nghiện rượu; Phản ứng thuốc, sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị tăng huyết áp, điều trị rối loạn lưỡng cực,... ; Nhiễm trùng như bị viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm HIV; Sử dụng thuốc uống steroid; Da cháy nắng, bị tổn thương như vết trầy xước; Hút thuốc lá; Stress, căng thẳng kéo dài; Da bị hanh khô,…

Cách điều trị bệnh vảy nến toàn thân

Hiện nay, vảy nến nói chung và vảy nến toàn thân chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị vảy nến toàn thân rất khó khăn, người mắc không được tự ý dùng thuốc mà cần có sự chỉ định của các chuyên gia y tế. Một số gợi ý điều trị bao gồm:

Sử dụng thuốc điều trị toàn thân

Việc chỉ định thuốc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và những vấn đề sức khỏe khác. Một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: Thuốc ức chế miễn dịch, làm chậm sự phát triển của tế bào da, thuốc chống viêm,… Những loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ nên bạn hãy cẩn trọng khi sử dụng.

Điều trị tại chỗ

Để làm dịu làn da bỏng rát do vảy nến toàn thân, người mắc có thể sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ dưỡng ẩm. Đây là những thuốc giúp bong sừng bạt vảy, chống viêm nên có thể làm giảm triệu chứng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, hãy thận trọng tác dụng phụ như teo da, giãn mạch máu,... Nếu tổn thương vảy nến ở da mặt thì cần thận trọng, không thoa thuốc bừa bãi thì da mặt rất nhạy cảm, có thể bị tổn thương vĩnh viễn không thể hồi phục. Ngoài ra, bạn có thể tắm bột yến mạch hoặc thoa gel nha đam lên da để làm mềm, làm ẩm da.

Ngoài các biện pháp trên, bạn cần có lối sống khoa học, lành mạnh như: Kiểm soát căng thẳng; Tránh uống rượu, bia bởi đồ uống này làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vảy nến; Bỏ hoặc không hút thuốc lá; Có chế độ ăn uống khoa học; Tăng cường vận động ít nhất 30 phút/ngày với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội,...