Vẩy nến là bệnh ngoài da gây ra các tổn thương đỏ, sưng viêm và bong vẩy nhìn khá đáng sợ. Do đó, nhiều người thắc mắc vẩy nến có lây không, triệu chứng bệnh như thế nào và cách điều trị ra sao cho hiệu quả? Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi trên.

Nhận diện các triệu chứng bệnh vẩy nến ra sao?

Vẩy nến là bệnh viêm da tự miễn mạn tính, hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh thường tái phát thành nhiều đợt trong suốt cuộc đời người mắc. Tuy là bệnh lành tính nhưng vẩy nến khiến người bị bệnh tự ti, mặc cảm, thậm chí trầm cảm.

Triệu chứng vẩy nến đặc trưng là của vẩy nến thể mảng. Bệnh gây ra các tổn thương da đỏ, sưng, viêm và có vẩy trắng. Đường kính tổn thương từ 2 – 20 cm và thường tập trung ở vùng tì đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu,… Trong số 125 triệu người mắc vẩy nến trên toàn thế giới hiện nay thì có khoảng 100 triệu người có các triệu chứng của vẩy nến thể mảng.

Ngoài thể bệnh trên, vẩy nến còn một số loại khác như sau:

- Vẩy nến thể giọt: Trẻ nhỏ và thiếu niên thường bị vẩy nến loại này. Bệnh gây ra các tổn thương đỏ, sưng viêm, có vẩy trắng bao phủ với vẩy nến giọt từ 2 – 20mm và mọc tập trung ở cánh tay, chân hoặc lan ra toàn thân.

- Vẩy nến thể mủ (vẩy nến mụn mủ): Da xuất hiện các đám mụn có đầu mủ trắng trên nền da viêm đỏ. Bệnh thường tập trung ở bàn chân, bàn tay hoặc toàn thân. Mụn mủ có thể vỡ ra, gây bội nhiễm nên người mắc cần thận trọng.

- Vẩy nến đảo ngược: Sở dĩ loại này được gọi là đảo ngược bởi tổn thương da thường xuất hiện ở vùng lõm, nếp gấp da như nách, háng, lớp da dưới ngực với tổn thương màu đỏ tươi, mịn, không vẩy (trái ngược với vẩy nến thể mảng thường gặp ở vùng tì đè như đầu gối, khuỷu tay,…).

- Vẩy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân đỏ rộp, có lớp vẩy trắng bao phủ. Đây là loại vẩy nến hiếm gặp và rất nguy hiểm bởi nó có thể khiến người mắc sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim, mất nước, do đó cần được cấp cứu y tế càng sớm càng tốt.

- Vẩy nến thể móng: Vẩy nến ở móng khiến móng chân, tay bị sần sùi, đổi màu, biến dạng, thậm chí gây mất móng.

- Vẩy nến thể khớp (viêm khớp vẩy nến): Khớp bị vẩy nến tấn công sẽ sưng, viêm và đau, tấy đỏ. Khớp ngón tay, ngón chân thường được vẩy nến khớp “hỏi thăm”.

benh-vay-nen-anh-huong-den-da.jpg

Hình ảnh da bị tổn thương do vảy nến

Vẩy nến có lây không?

Vẩy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG lây nhiễm thông qua tiếp xúc với người bệnh. Do đó, bạn đừng quá lo lắng khi vô tình nắm tay, ôm, hôn, dùng chung đồ với người bị vẩy nến.

Vẩy nến không lây nhiễm. Vậy, tại sao số người mắc bệnh này lại gia tăng nhanh chóng? Hãy tìm hiểu về nguyên nhân gây nên vẩy nến dưới đây:

- Nguyên nhân gây vẩy nến hiện nay chưa được tìm ra chính xác nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, nó có liên quan đến sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch. Thông thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, khi bị vẩy nến, hệ miễn dịch rối loạn, nhầm lẫn và tấn công nhầm các tế bào biểu bì da, khiến tế bào da chết đi nhanh chóng sau 3 – 4 ngày (thay vì 28 – 30 ngày như bình thường). Chúng được đẩy lên bề mặt, tích tụ và tạo vẩy trắng kèm theo tình trạng sưng, viêm và ngứa ngáy.

Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát hoặc trầm trọng thêm bệnh vẩy nến, bao gồm:

- Yếu tố di truyền: Ước tính, có 10% dân số mang gen vẩy nến nhưng chỉ có khoảng 2 – 3% trong số này phát triển bệnh.

- Yếu tố lịch sử gia đình: Bạn sẽ có nguy cơ bị vẩy nến cao hơn nếu có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc vẩy nến.

- Cháy nắng: Tình trạng tổn thương da này có thể kích hoạt vẩy nến bùng phát.

- Stress kéo dài: Nếu tình trạng này trầm trọng, nó có thể gây ra sự suy yếu hệ miễn dịch, kích hoạt vẩy nến bùng phát hoặc làm triệu chứng vẩy nến trầm trọng hơn.

- Uống rượu bia và hút thuốc lá: Đây đều là những thói quen xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, từ đó, kích hoạt vẩy nến phát triển. Không những thế, chúng còn làm cho hiệu quả điều trị của các loại thuốc giảm xuống.

- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, thuốc chống sốt rét,… làm tăng nguy cơ bị vẩy nến.

- Lười vận động, béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị vẩy nến bởi tổn thương da thường có xu hướng hình thành tại các nếp gấp da bụng, ngực của người béo phì.