Cách chữa vảy nến tại nhà vẫn luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm đông đảo của mọi người, bởi nguồn nguyên liệu dễ kiếm, ít tốn kém chi phí mà cũng đạt được hiệu quả nhất định. Bài viết sau đây là những thông tin tổng hợp cụ thể nhất về những phương pháp cải thiện bệnh vảy nến tại nhà đang được áp dụng hiện nay. Mời bạn cùng đón xem!
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến là gì?
Vảy nến là tình trạng tổn thương da mạn tính, có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng. Theo thống kê, có khoảng 2 - 3% dân số thế giới mắc phải bệnh lý này và thường nằm trong độ tuổi từ 10 - 50.
Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân gây bệnh vảy nến, tuy nhiên, rất nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, sự suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch chính là yếu tố hàng đầu. Hàng ngày, hệ miễn dịch vẫn thực hiện chức năng tìm kiếm và loại bỏ những tác nhân gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó khiến “hàng rào” này bị rối loạn và tấn công chính những tế bào biểu bì khỏe mạnh, gây ảnh hưởng đến chu kỳ sinh trưởng của các tế bào, làm chúng chết đi nhanh chóng, tạo thành những mảng da tấy đỏ, đóng vảy trắng li ti phía trên. Ngoài ra, một số tác nhân sau đây sẽ làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh vảy nến:
- Tiền sử mắc các bệnh tự miễn khác như: Hen suyễn, viêm da cơ địa,...
- Da bị trầy xước, tổn thương nghiêm trọng.
- Thời tiết thay đổi đột ngột.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là do liên cầu nhóm A.
- Tác dụng phụ của một số thuốc như: Điều trị tim mạch, huyết áp, chữa sốt rét,...
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi.
- Thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia..
Biến chứng nào có thể gặp phải khi bị vảy nến?
Nếu không được khắc phục sớm và điều trị kịp thời, bệnh vảy nến có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm sau đây:
Bệnh về mắt
Tổn thương các tế bào da cũng có thể gây viêm nhiễm trong mô mắt mỏng manh. Dễ gặp nhất đó là: Viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm màng bồ đào, gây ảnh hưởng gián tiếp đến thị lực.
Viêm khớp
Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất khi bị vảy nến. Theo thống kê, khoảng 30% trường hợp có viêm khớp tiến triển sau khi mắc vảy nến. Với biến chứng này, cơ thể thường xuyên bị đau nhức, tê cứng các khớp ngón tay, khuỷu tay và cột sống, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Nhiều trường hợp còn bị bất động trong một khoảng thời gian, sau đó mới di chuyển được.
Bệnh tim mạch, huyết áp
Theo nghiên cứu, những người bị vảy nến có nguy cơ mắc bệnh lý huyết áp, tim mạch cao gấp đôi bình thường. Trên thực tế, một số loại thuốc trị vảy nến có tác dụng phụ là làm tăng nhịp tim và cholesterol trong máu, từ đó người mắc sẽ gặp phải nguy cơ suy tim, đột quỵ nếu dùng kéo dài. Bởi vậy, khi có những biểu hiện đơn giản như: Đau đầu, đánh trống ngực, người nóng ran,... hãy kiểm tra ngay huyết áp và tới cơ sở y tế để kiểm soát triệu chứng sớm nhất có thể.
Cách chữa bệnh vảy nến tại nhà cực đơn giản
Thực hiện ngay những mẹo đơn giản sau đây, bạn sẽ phải bất ngờ về sự cải thiện triệu chứng vảy nến rất hiệu quả. Cùng tham khảo nhé:
Hạt lanh
Với hàm lượng omega-3 dồi dào, hạt lanh đã được “xướng tên” trong danh sách những nguyên liệu có khả năng chữa bệnh vảy nến, bởi hoạt chất này có đặc tính ức chế axit arachidonic - chính là tác nhân hàng đầu gây nên phản ứng viêm trong cơ thể. Cách sử dụng hạt lanh cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần nghiền hạt lanh thành bột, thêm vào sinh tố, trộn cùng bột yến mạch hay salad trong bữa ăn hàng ngày. Điều này vừa giúp làm tăng cảm giác ngon miệng, mà lại ngăn chặn triệu chứng vảy nến tiến triển.
Yến mạch
Trên thực tế, tắm bột yến mạch là cách khá phổ biến với việc làm dịu cơn ngứa trên da, bởi chúng có khả năng làm sạch rất tốt, đồng thời giảm độ nhám và phản ứng viêm hữu hiệu. Bạn hãy xay yến mạch thành bột mịn, khi tắm có thể lấy 1 hũ nhỏ cho vào bồn nước ấm, sau đó ngâm mình trong 15 - 20 phút và mát-xa đều trên da. Nên thực hiện 2 - 3 lần/tuần và kiên trì trong vòng 1 tháng, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể.
Dầu ô liu
Đây là một loại dầu thực vật chứa nhiều axit béo omega-3 giúp kháng viêm hiệu quả. Để chữa vảy nến, bạn có thể thoa một chút dầu ô liu ấm vào những vùng tổn thương để làm mềm và loại bỏ các mảng da đóng vảy, khô nứt. Bên cạnh đó, thêm dầu ô liu vào chế độ ăn hàng ngày cũng sẽ góp phần chữa lành làn da của bạn từ trong ra ngoài.
Tinh dầu oải hương
Tinh dầu oải hương chứa các thành phần giúp sát khuẩn, giảm viêm tốt, đồng thời có mùi thơm dễ chịu nên cũng là một phương pháp cải thiện bệnh vảy nến hiệu quả. Bạn chỉ cần thêm một vài giọt tinh dầu nguyên chất vào bồn tắm ấm, ngâm mình thư giãn trong 10 - 15 phút sẽ giúp làm sạch, giữ ẩm, giảm bong tróc trên làn da. Áp dụng liên tục trong 3 - 4 tuần, bạn sẽ cảm nhận các triệu chứng được khắc phục đáng kể.