Tập thể dục là một trong những cách điều trị vẩy nến mà các chuyên gia y tế khuyên bệnh nhân áp dụng hàng ngày. Dưới đây là 5 bài tập có thể giúp bạn giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát, bạn đừng nên bỏ qua.
5 bài tập thể dục cho người vẩy nến nhất định bạn phải biết
Tiến sĩ Alan Menter - Chủ tịch Da liễu tại Trung tâm Y khoa Đại học Baylor ở Dallas, Mỹ tin rằng, tập thể dục có thể đóng một vai trò quan trọng đối với những người đang được điều trị bệnh vẩy nến. Tiến sĩ Menter đã nói rằng, tập thể dục giúp kiểm soát trọng lượng của những người mắc bệnh vẩy nến. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ người thừa cân bị vẩy nến cao hơn 7% so với người không bị vẩy nến.
Mối liên hệ giữa thừa cân và vẩy nến có thể là tình trạng viêm. Những người nặng cân, đặc biệt là những người béo phì bị viêm mạn tính nặng hơn, nguyên nhân là họ chứa nhiều tế bào mỡ hơn. Tiến sĩ Paul Yamauchi, MD, PhD - Người phát ngôn của Quỹ Bệnh vẩy nến Quốc gia Mỹ đã nói rằng, tình trạng viêm mạn tính do hậu quả của bệnh béo phì, thậm chí còn khó kiểm soát hơn bệnh béo phì. Tập thể dục đem đến nhiều lợi ích cho những người bị bệnh vẩy nến. Những người này cũng dễ bị bệnh tim, bệnh tiểu đường và nhiều bệnh mạn tính khác so với những người không bị vẩy nến. Tập thể dục giúp hiệu quả điều trị bằng thuốc ở bệnh nhân vẩy nến tốt hơn.
5 bài tập thể dục cho người vẩy nến
#1. Đi bộ
Đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp bạn giảm cân, giảm căng thẳng và hạn chế nguy cơ khiến bạn mắc các bệnh mạn tính khác. Đi bộ thường xuyên giúp kiềm chế, hạn bớt sự giận dữ, bực tức, từ đó, giúp cải thiện tình trạng bệnh vẩy nến.
Đi bộ cũng giúp giảm cân bởi hoạt động này giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, đốt calo dư thừa, đặc biệt tốt cho bệnh nhân vẩy nến lớn tuổi.
Đi bộ đẩy lùi vảy nến
#2. Chạy bộ
Chạy bộ là bài tập nâng cao của đi bộ. Bài tập này có lợi ích sức khỏe to lớn, giúp săn chắc cơ bắp, cải thiện sức khỏe hệ tim mạch, tăng cường sức đề kháng và cải thiện tâm trạng, mang lại giấc ngủ ngon cho người bị bệnh vẩy nến.
#3. Đạp xe
Đạp xe giúp các khớp xương khỏe mạnh, giảm cân và mang lại giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn. Ở người béo phì, vẩy nến thường phát triển ở các nếp gấp da như vùng bụng, dưới vú, sau đầu gối, mông, nách... Việc đạp xe mỗi ngày có tác dụng giảm cân, cải thiện tình trạng vẩy nến. Ngoài ra, đạp xe còn giảm căng thẳng, tinh thần thoải mái, từ đó, giảm nguy cơ bị vẩy nến cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
#4. Bơi lội
Bơi lội là bài tập thể dục nhẹ nhàng, có tác dụng rất tốt với bệnh nhân vẩy nến, đặc biệt là người bị viêm khớp vẩy nến. Bài tập này còn giúp giảm áp lực cuộc sống, có lợi cho tim, phổi, hô hấp, tuần hoàn máu. Song song với đó, nó còn giúp kiểm soát huyết áp và phòng ngừa bệnh tim mạch. Những điều này khẳng định rằng, bơi lội giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng khôn lường của vẩy nến.
#5. Bài tập thể dục dưới nước
Bài tập dưới nước là những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với những người bị viêm khớp vẩy nến. Nước giúp hạn chế đau, giảm tình trạng sưng tấy khớp do vẩy nến gây ra. Đồng thời, bài tập này giúp tinh thần thoải mái, cải thiện tâm trạng và đem lại giấc ngủ ngon.
Tôi phải tập thể dục trong bao lâu?
Lời khuyên được các chuyên gia đưa ra là: Người lớn nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc khoảng một giờ hoạt động cường độ mạnh mỗi tuần. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất là kết hợp cả hai. Bạn tập thể dục càng nhiều, các bài tập càng trở nên dễ dàng và bạn sẽ càng thích nó.
Một lưu ý là không phải tập tất cả các bài tập cùng một lúc. Bạn có thể chia nhỏ chúng thành các khoảng thời gian ngắn cho mỗi bài tập khoảng 10 phút như: Chạy, bơi lội, đi bộ, đạp xe, nhảy múa và các bài tập khác.
Nếu bạn có vấn đề về bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường hoặc tăng huyết áp, hãy trao đổi với bác sĩ về loại hoạt động thể chất nào an toàn nhất. Bạn cũng cần kiểm tra huyết áp và nhịp tim trước khi bắt tay vào bất kỳ chương trình tập thể dục nào, đặc biệt nếu bạn ở độ tuổi 50.
Luôn luôn nói chuyện với bác sĩ về các hoạt động thể chất an toàn nếu bạn có các triệu chứng như đau ngực hoặc chóng mặt trước khi tập thể dục.
Mẹo ngăn ngừa bệnh vẩy nến bùng phát khi tập thể dục
- Điều đầu tiên bạn cần làm là ngăn ngừa chấn thương da bằng cách tránh các cọ xát trên da.
- Nhẹ nhàng bôi trơn các "điểm nóng" như háng, bụng, nếp gấp ngực, giữa đùi hoặc mông để ngăn chặn bất kỳ sự ma sát nào không cần thiết, bởi sự cọ xát này có thể làm trầm trọng thêm tổn thương vẩy nến.
- Cố gắng chọn và mặc quần áo mỏng, rộng rãi, tốt nhất là sử dụng chất liệu thấm mồ hôi thay vì 100% nilon. Quần áo rộng ngăn ngừa sự bó sát vào các khu vực bị vẩy nến.
- Sử dụng nước ấm để tắm và không chà xát các vị trí da bị tổn thương quá mức, tránh viêm nhiễm.