Vảy nến ngày càng gia tăng số người mắc, trong khi bệnh này chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều người đã áp dụng các cách điều trị bệnh vảy nến từ Đông y, Tây y hay bài thuốc được quảng cáo nhưng chưa mang lại hiệu quả. Vậy thì tại sao bạn không thử 5 bài thuốc từ thảo dược đơn giản sau đây? Đừng bỏ lỡ!
Vảy nến là bệnh gì?
Vảy nến là bệnh viêm da mạn tính do tự miễn, ảnh hưởng đến 2 – 3% dân số thế giới. Bệnh có nhiều loại nhưng đặc trưng và phổ biến nhất là vảy nến thể mảng. Loại vảy nến này có triệu chứng như sau:
- Da có các tổn thương sưng đỏ, phủ vảy trắng.
- Đường kính tổn thương từ 2 – 20 cm.
- Da bị khô, có thể nứt nẻ kèm theo ngứa ngáy.
Ngoài ra, vảy nến còn có một số loại sau: Vảy nến thể giọt gây ra các đốm tổn thương sưng đỏ, có vảy trắng nhỏ như giọt nước; Vảy nến đảo ngược gây những tổn thương đỏ, mịn và bóng, không có vảy; Vảy nến toàn thân khiến da toàn thân đỏ rộp như tôm luộc; Vảy nến khớp gây sưng, đỏ khớp; Vảy nến móng khiến móng chân, tay bị biến dạng, đổi màu.
Nguyên nhân gây vảy nến
Hiện nay, nguyên nhân gây vảy nến chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng, nó liên quan đến hệ miễn dịch suy yếu. Thông thường, tế bào da mất khoảng 28 – 30 ngày để hình thành, sau đó nâng dần lên bề mặt da, chết đi và rơi ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công các tế bào da và đẩy nhanh quá trình trên lên 10 lần, thời gian từ hình thành đến chết đi rồi tiến lên bề mặt da chỉ diễn ra trong 3 – 4 ngày. Các tế bào da hình thành liên tục, chết đi và xếp chồng lên nhau nhưng không thể rơi ra khỏi cơ thể sẽ tạo thành những mảng bám đỏ, sưng viêm và bong tróc vảy.
Ngoài nguyên nhân trên, các yếu tố nguy cơ từ môi trường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến các triệu chứng trầm trọng hơn. Chúng bao gồm:
- Thời tiết lạnh, khô;
- Hút thuốc lá;
- Béo phì, thừa cân;
- Lười vận động;
- Uống nhiều rượu, bia;
- Stress kéo dài;
- Tổn thương da;
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống sốt rét, hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim,…
5 cách điều trị bệnh vảy nến bằng thảo dược tại nhà hiệu quả
Vảy nến đến nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng nhờ áp dụng các biện pháp dưới đây, triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả:
Sử dụng lô hội
Lô hội (nha đam) luôn được biết đến với nhiều công dụng tuyệt vời trong sức khỏe và làm đẹp. Gel bên trong lô hội chứa rất nhiều dinh dưỡng như vitamin A, C, E,… Nó không những tạo độ ẩm cho da, tẩy da chết mà còn giúp thu nhỏ lỗ chân lông một cách hoàn hảo. Đối với vảy nến, thảo dược này giúp loại bỏ vảy trắng, giảm tấy đỏ trên da và trả lại cho bạn làn da mịn màng.
Cách áp dụng khá đơn giản: Bạn chuẩn bị lá lô hội còn tươi, rửa sạch. Sau đó, dùng dao tách lớp vỏ bên ngoài của lá rồi lấy lượng gel lô hội vừa đủ thoa lên vùng tổn thương vảy nến. Áp dụng cách này nhiều lần trong ngày, da của bạn sẽ được giữ ẩm, mịn hơn, không còn khô và bong tróc vảy.
Sử dụng muối Biển Chết
Theo các chuyên gia y tế, muối Biển Chết rất có lợi cho làn da của bạn. Việc sử dụng loại muối này sẽ giúp điều trị rối loạn da, cải thiện những vùng da thô ráp và thu nhỏ lỗ chân lông hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp kháng khuẩn và xóa bỏ hoàn toàn các nốt sần sùi trên da.
Bạn hãy áp dụng cách như sau: Cho một lượng muối Biển Chết vừa đủ với nước ấm trong bồn tắm và khuấy cho tan. Ngâm mình trong bồn tắm khoảng 15 phút. Sử dụng bài thuốc này 2 - 3 lần/tuần để đạt kết quả tốt nhất. Cần lưu ý, muối Biển Chết có tính chất tẩy mạnh nên hãy bôi kem dưỡng ẩm cho da ngay sau khi tắm xong.
Sử dụng cây muồng trâu
Cây muồng trâu hay còn gọi là muồng lác. Trong Y học cổ truyền, cây muồng trâu thường được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da. Để chữa vảy nến, bạn rửa sạch lá và đọt tươi của cây muồng trâu rồi giã nhuyễn lấy nước, vắt lấy nước cốt. Sau đó, pha nước cốt với kem điều trị bệnh lác theo tỷ lệ 2:1. Sử dụng bông gòn thấm vào hỗn hợp trên rồi bôi lên những vùng da bị vảy nến.
Sử dụng nghệ
Nghệ là loại thảo dược tốt cho da được dân gian lưu truyền sử dụng từ hàng trăm năm nay. Với tác dụng kháng khuẩn và tẩy tế bào chết tuyệt vời, nghệ sẽ giúp giảm tấy đỏ, chống viêm cũng như giữ cho làn da mềm mịn hơn.
Bạn áp dụng theo cách như sau: Trộn 1 thìa tinh bột nghệ với 2 thìa sữa tươi không đường. Sau đó, bôi hỗn hợp trên vào vùng da bị vảy nến, rồi để khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Sử dụng lá trầu không
Lá trầu không từ lâu được xem là vị thuốc quý giúp trị bệnh vảy nến hiệu quả. Các hoạt chất trong trầu không giúp kháng viêm, giảm ngứa ngáy và ngăn chặn vảy nến lan rộng khắp cơ thể. Để bài thuốc có được tác dụng tốt nhất, hãy kết hợp thêm với rau răm, bèo hoa dâu và muối hột.
Cách thực hiện khá đơn giản: Chuẩn bị khoảng 10 lá trầu không, 20 ngọn rau răm, 15 lá bèo hoa dâu rửa sạch bằng nước muối. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu trên vào nồi và đun sôi với 2 lít nước trong khoảng 20 phút rồi tắt bếp.
Pha nước thuốc sao cho độ ấm vừa đủ rồi rửa lên những vùng da bị vảy nến. Áp dụng cách này 2 - 3 lần/tuần, bạn sẽ thấy vùng da bị vảy nến được cải thiện tích cực.