Bệnh vảy phấn trắng là một trong những dạng vảy da phổ biến hiện nay. Người mắc có thể gặp phải tình trạng da bong tróc, ngứa ngáy khó chịu... Tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng này có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng. Để tìm hiểu cụ thể hơn về bệnh lý này cũng như cách phòng ngừa hiệu quả, mời bạn tham khảo bài viết ngay sau đây!
Thế nào là bệnh vảy phấn trắng?
Vảy phấn trắng là một bệnh viêm da mạn tính, thường gặp nhất ở đối tượng trẻ em, trong đó khoảng 90% trong độ tuổi từ 6-12, còn lại là trẻ từ 13-16 tuổi và rất hiếm gặp ở người lớn trên 30 tuổi.
Triệu chứng bệnh vảy phấn trắng như thế nào?
Tổn thương do bệnh vảy phấn trắng thường xuất hiện ở mặt, nhiều hơn tại cằm và má hoặc cánh tay, cổ, vai, thân người và ít gặp ở chân. Theo nghiên cứu, giai đoạn tiến triển của bệnh vảy phấn trắng thường trải qua 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn đầu: Các đốm tổn thương thường đóng vảy, có viền bao quanh, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính lên tới 2 cm. Các vết này có thể tập trung hoặc rải rác, dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da sẫm màu. Với một số trường hợp nặng, vảy da có thể bong tróc như sáp nến, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và giao tiếp của người mắc.
- Giai đoạn hai: Tổn thương trên da mờ dần và có thể tự khỏi mà không cần biện pháp can thiệp.
- Giai đoạn cuối: Vùng da bị vảy phấn trắng dần lấy lại sắc tố bình thường. Điều này có thể diễn ra trong vài tháng nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn, tùy thuộc vào mức độ của đợt nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh vảy phấn trắng
Đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh vảy phấn trắng. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đưa ra những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành và tiến triển của bệnh lý này - đó là sự suy giảm miễn dịch của cơ thể cùng với những tác nhân sau đây:
- Do di truyền: Trường hợp trong gia đình có người mắc các bệnh về da như viêm da cơ địa, eczema hoặc hen suyễn, viêm mũi dị ứng,... thì bạn cũng có khả năng cao mắc phải bệnh lý này. Bên cạnh đó, tình trạng mất sắc tố da trong vảy phấn trắng do giảm tế bào melanocyte (tạo ra sắc tố melanin) cũng có nhiều khả năng là bởi yếu tố di truyền.
- Môi trường: Khi thời tiết đột ngột hoặc nóng ẩm hay khô hanh đều có thể khiến bệnh vảy phấn trắng bùng phát mạnh mẽ, khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Việc sống trong môi trường ô nhiễm, sử dụng nguồn nước không đảm bảo, không khí bụi bặm,... cũng là nguyên nhân tiềm ẩn hình thành đợt cấp của bệnh.
- Tiếp xúc hóa chất: Cần cẩn trọng với các loại xà bông, dầu gội, sữa tắm, xà phòng, nước rửa chén,... có thành phần dễ gây kích ứng da hoặc dùng chất tẩy rửa mạnh sẽ làm trầm trọng thêm tổn thương do vảy phấn trắng.
- Căng thẳng, lo âu, stress,… cũng là nguyên nhân gây bùng phát bệnh.
- Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc như: Lithium, thuốc hạ huyết áp, chống sốt rét,… có thể kích thích tình trạng vảy phấn trắng tiến triển.
- Trang phục từ chất liệu len, sợi vải tổng hợp dễ khiến da của bạn bị kích ứng.
Biện pháp khắc phục bệnh vảy phấn trắng hiện nay
Điều cần thiết để ngăn ngừa bệnh vảy phấn trắng hiệu quả chính là cải thiện nhanh chóng triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Các chuyên gia đưa ra một số gợi ý giúp bạn khắc phục triệt để tình trạng này. Cụ thể:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, nước tẩy rửa.
- Chọn loại sữa tắm, dầu gội phù hợp với làn da, không lựa chọn các sản phẩm có chất tẩy rửa mạnh hay chứa hương liệu tổng hợp.
- Dưỡng ẩm hàng ngày, cải thiện tình trạng bong tróc cho da của bạn bằng cách sử dụng kem dưỡng hoặc máy tạo độ ẩm cho phòng ngủ.
- Khi có biểu hiện hen suyễn, viêm mũi dị ứng, eczema xuất hiện thì cần áp dụng ngay các biện pháp điều trị kịp thời.
- Hạn chế đi vào khu vực ô nhiễm, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa tối đa những yếu tố có thể khiến bệnh vảy phấn trắng bùng phát.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp nhằm giảm thiểu tổn thương da.
Khi các tổn thương không thể kiểm soát bằng những cách trên, bạn hãy tham khảo biện pháp sau để cải thiện nhanh tình trạng của mình:
- Sử dụng thuốc bôi ngoài da (dạng kem, gel, mỡ): Thành phần kẽm oxyd hoặc corticosteroid nồng độ thấp sẽ giúp giảm nhanh tình trạng viêm; Thuốc mỡ tacrolimus 0,1% và kem pimecrolimus 1% được dùng nhằm giảm thiểu sự đổi màu da, hạn chế khô, ngứa và ngăn tổn thương lan rộng.
- Các thuốc uống có tác dụng toàn thân giúp ức chế miễn dịch, chống dị ứng cũng được áp dụng để tăng cường hiệu quả.
- Bên cạnh đó, nếu tổn thương lan rộng, bạn có thể thực hiện liệu pháp quang trị liệu PUVA (psoralen + UVA) chiếu vào vùng da tổn thương, giúp kháng viêm và ngăn ngừa biến chứng rất tốt. Phương pháp laser cũng được chứng minh là có hiệu quả với bệnh vảy phấn trắng. Tuy nhiên, trị liệu theo cách này có thể khiến đỏ rát, phồng rộp da, một số trường hợp còn kích thích triệu chứng bùng phát nghiêm trọng hơn nên bạn cần thận trọng và tham khảo ý kiến chuyên gia.
Thảo Anh