Bệnh vảy phấn hồng nang lông không quá phổ biến trong số các dạng bệnh da liễu nhưng những tổn thương mà tình trạng này gây ra là không thể xem nhẹ. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể về các triệu chứng cũng như cách khắc phục bệnh vảy phấn hồng nang lông hiệu quả, an toàn. Đừng bỏ lỡ, bạn nhé!

Bệnh vảy phấn hồng nang lông là gì?

Vảy phấn hồng nang lông là cụm từ được đặt cho một nhóm các biểu hiện rối loạn da hiếm gặp, đặc trưng bởi những tổn thương da tạo thành mảng, nổi sần nang lông, đóng vảy đỏ cam với đường viền rõ ràng tại lòng bàn tay, bàn chân. Tình trạng này có thể xuất hiện trên toàn cơ thể, tuy nhiên, vẫn có những vùng da lành xen giữa vị trí tổn thương. Bên cạnh đó, móng tay, móng chân có thể bị ảnh hưởng: Chuyển màu đục, xù xì, tiềm ẩn nguy cơ rỗ móng, nứt móng.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1828 và sau đó đến năm 1889 được đặt lên là vảy phấn hồng nang lông. Chúng có thể xuất hiện ở cả hai giới, hay gặp trong độ tuổi từ 5 - 10 (thường do di truyền) và từ 40 - 60 tuổi.

53.jpg

Hình ảnh bệnh vảy phấn hồng

Hiện nay, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân hình thành nên bệnh lý này. Tuy nhiên, nhiều tài liệu chỉ ra rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch trong cơ thể là yếu tố hàng đầu. Vì một lý do nào đó, hệ miễn dịch nhận diện nhầm và tấn công chính những tế bào biểu bì da khỏe mạnh, khiến chúng tăng sinh, chết đi nhanh chóng, nhưng không kịp bong ra mà xếp chồng lên nhau, tạo thành mảng dày sừng, bong tróc vảy, có thể gây ngứa ngáy hay đau rát. Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng góp phần khiến tình trạng bệnh tiến triển trầm trọng hơn, như: Chấn thương da, nhiễm khuẩn cấp, tác dụng phụ của một số thuốc,...

Phân loại bệnh vảy phấn hồng nang lông

Theo nghiên cứu, bệnh vảy phấn hồng nang lông được phân thành 5 loại, đó là: Thể kinh điển ở người lớn, thể không điển hình ở người lớn, thể kinh điển ở trẻ em, thể vòng cung ở trẻ em, thể không điển hình ở trẻ em.

Thể kinh điển ở người lớn

Tình trạng này được coi là phổ biến nhất trong tổng số các trường hợp, với tỷ lệ chiếm tới 50%. Các biểu hiện khởi phát cấp tính là đỏ da, dày sừng nang lông, được tiên lượng tốt với 80% số ca mắc có thể tự thuyên giảm bệnh trong khoảng 3 năm. Sau khi ổn định, tình trạng này hiếm khi bị tái phát.

Thể không điển hình ở người lớn

Thể bệnh này chiếm khoảng 5% trong các trường hợp. Thời gian mắc bệnh có khi lên tới 20 năm, với triệu chứng đặc trưng là tổn thương da dưới dạng vảy cá, người mắc có thể bị rụng tóc kèm theo.

Thể kinh điển ở trẻ em

Với tỷ lệ khoảng 10% trong số các ca mắc vảy phấn hồng nang lông, bệnh thường xuất hiện ở trẻ trong khoảng từ 5 đến 10 tuổi, dễ khởi phát sau một lây nhiễm cấp tính. Ngoài ra, bệnh có khả năng tự cải thiện trong vòng 1 năm.

Thể vòng cung ở trẻ em

Tình trạng này xảy ra nhiều hơn ở trẻ sơ sinh, chiếm 25% tổng số trường hợp. Các tổn thương thường chỉ giới hạn ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và khuỷu tay. Tình trạng này khởi phát sớm nhưng có thể cải thiện ở tuổi vị thành niên.

Thể không điển hình ở trẻ em

Đây là dạng bệnh chiếm khoảng 5% tổng số ca mắc. Những biểu hiện thường gặp là dày sừng ở lòng bàn tay, bàn chân, ít khi tấy đỏ. Thể bệnh này thường do yếu tố di truyền nên dễ tiến triển thành dạng mạn tính.

Ngoài ra, còn một thể bệnh vảy phấn hồng nang lông khác liên quan đến HIV, thường không đáp ứng với các liệu pháp tiêu chuẩn.

Bệnh vảy phấn hồng nang lông điều trị như thế nào?

Hiện nay, các phương pháp điều trị bệnh vảy phấn hồng nang lông thường tập trung giảm nhanh triệu chứng để ngăn ngừa tổn thương lan rộng trên da. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:

Phương pháp xử lý tại chỗ

Thường áp dụng với những trường hợp nhẹ, tổn thương chưa lan rộng. Bạn có thể sử dụng:

- Kem làm sạch da, dưỡng ẩm, chống khô nứt như: Acid salicylic, nhựa than, vaselin,...

- Quang trị liệu: Bằng cách chiếu chùm tia UVB vào vị trí da bị bệnh, có thể kết hợp với retinoid bôi ngoài để tăng cường hiệu quả.

Bạn cũng nên chú ý vì một số sản phẩm có thể gây kích ứng da với những người có cơ địa nhạy cảm nên hãy tham khảo kỹ ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng.

Phương pháp toàn thân

Khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát, bạn cần sử dụng các loại thuốc hỗ trợ có khả năng ức chế miễn dịch, giảm phản ứng viêm trong cơ thể, từ đó khắc phục nhanh chóng những tổn thương tiến triển trên da.

Một số loại thuốc có thể được chỉ định như: Retinoid đường uống (nhưng cần theo dõi tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid trong máu), methotrexate, azathioprin, cyclosporin,... và đều cần điều trị trong thời gian dài.

Tuy có hiệu quả nhất định nhưng các hoạt chất trên đều tiềm ẩn nhiều tác dụng trên cơ thể, chẳng hạn: Gây phồng rộp da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, bệnh đường tiêu hóa, giảm hồng cầu,...

Ngoài ra, để việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn, bạn cần chú ý thực hiện một lối sống khoa học, dinh dưỡng lành mạnh, tích cực tập luyện thể thao giúp nâng cao sức khỏe toàn diện.