Vảy phấn hồng là bệnh ngoài da khá phổ biến. Triệu chứng bệnh rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng da khác. Vậy triệu chứng nhận biết vảy phấn hồng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả ra sao? Khi bị vảy phấn hồng nên kiêng gì để bệnh cải thiện nhanh? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết sau. Mời bạn cùng theo dõi.

Triệu chứng bệnh vảy phấn hồng

Vảy phấn hồng (vẩy phấn hồng) là một bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban tróc vảy to ở vùng ngực, bụng hoặc lưng, sau đó lan rộng khắp người.

Bệnh xảy ra nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu, thường tự khỏi sau 4 - 8 tuần và không để lại sẹo. Tuy nhiên, tổn thương vảy phấn hồng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên bạn cần đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị một cách chính xác.

Quá trình hình thành vảy phấn hồng gồm các bước sau:

- Khởi đầu: Vảy phấn hồng thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban rộng lớn, tróc vảy, hơi nhô cao trên bề mặt da. Vị trí thường gặp ở ngực, bụng, lưng.

- Sau đó vài ngày đến vài tuần, nhiều đốm hồng ban nhỏ hơn, diện tích từ 0,5 – 2 cm, tróc vảy sẽ xuất hiện tiếp tục khắp ngực, lưng, bụng phân bố theo dạng hình cây thông. Chúng có thể gây ngứa ngáy. Tuy nhiên, tổn thương ít xuất hiện ở vùng mặt. Tổn thương vảy phấn hồng thường xếp giống hình vảy cá và có màu hồng. Nếu người mắc có da sậm màu, tổn thương có màu xám, nâu sậm hoặc trắng.

Ngoài các triệu chứng trên, khoảng 50% người bị vảy phấn hồng xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp trên như: Nghẹt mũi, đau cổ họng, ho,…trước khi có những mảng tổn thương trên da.

Nguyên nhân và biến chứng của bệnh vảy phấn hồng

Biết được nguyên nhân gây bệnh cũng như ảnh hưởng tiêu cực của vảy phấn hồng sẽ giúp người mắc có biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm hiệu quả, từ đó tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân bệnh vảy phấn hồng

Nguyên nhân gây bệnh chính xác của vảy phấn hồng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, thông qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, người bệnh nhiễm một vài chủng herpes virus như HHV6, HHV7 sẽ mắc vảy phấn hồng. Tuy nhiên, đây là bệnh không truyền nhiễm.

Những người có tiền sử mắc bệnh lao, nấm mốc, nhiễm virus, nhiễm trùng,… có nguy cơ cao bị vảy nến phấn hồng. Ngoài ra, thời tiết thay đổi đột ngột cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Người bệnh được khuyến cáo nên đi khám khi xuất hiện các triệu chứng sau:

- Xuất hiện mảng hồng ban rộng lớn, tróc vảy ở vùng ngực, lưng, bụng.

- Có nhiều hồng ban xuất hiện tiếp theo khắp ngực, lưng, bụng hay có thể có thêm ở mặt, tứ chi.

Nếu đã được chẩn đoán bị vảy phấn hồng mà tổn thương da vẫn không khỏi sau 3 tháng, người mắc cần phải đến khám tại các cơ sở y tế ngay.

Biến chứng bệnh vảy phấn hồng

Vảy phấn hồng không gây nguy hiểm đến tính mạng người mắc nhưng nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Một số ảnh hưởng bao gồm:

- Vảy phấn hồng có thể gây ngứa nhiều, đặc biệt khi thân nhiệt người mắc quá nóng.

- Các tổn thương da có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu da người mắc sậm màu, tại các vị trí tổn thương có thể xuất hiện các đốm nâu.

Bị vảy phấn hồng cần kiêng gì?

Khi bị vảy phấn hồng, người mắc cần hạn chế tiếp xúc một số yếu tố làm tăng sự trầm trọng của bệnh bao gồm:

- Bụi bẩn, vi khuẩn, côn trùng: Bụi, bẩn, vi khuẩn hay côn trùng cắn đều là những điều cần tránh bởi chúng có khả năng làm nhiễm trùng, tổn thương làn da của bạn. Vì vậy, để giúp cho việc điều trị bệnh vảy phấn hồng, bạn nên vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cơ thể hàng ngày. Để loại bỏ vảy bám trên da, nên dùng nước ấm và lau da nhẹ nhàng. Tránh tắm nước quá nóng bởi nó gây khô da.

- Tia cực tím: Tia cực tím (UV) có trong ánh nắng mặt trời là khắc tinh không chỉ của bệnh vảy phấn hồng mà còn của nhiều bệnh về da khác. Khi tiếp xúc với tia cực tím, da nhanh bị lão hoá, nhăn, thậm chí ung thư da. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ngoài trời. Khi ra khỏi nhà, hãy đội mũ, mang giày, mặc quần áo dài, đeo kính có khả năng chắn tia UV.

- Hóa chất kích ứng da: Các bạn gái thường có thói quen sử dụng sữa tắm hay các mỹ phẩm trang điểm, dưỡng da. Nhưng những sản phẩm này thường chứa lượng hóa chất lớn, không tốt cho làn da của người bị bệnh vảy phấn hồng. Vì vậy, trong thời gian điều trị, bạn nên sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên hoặc các sản phẩm dành cho trẻ em, giúp làm dịu nhẹ cho làn da.

- Bia rượu: Rượu bia có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng vảy phấn hồng. Do đó, đây là thực phẩm mà những người mắc bệnh vảy phấn hồng cần kiêng tuyệt đối.

- Stress: Nguyên nhân bệnh vảy phấn hồng chưa được xác định rõ ràng nhưng các nghiên cứu đều chỉ ra rằng stress, mệt mỏi hay lo lắng quá mức sẽ có tác động không nhỏ trong việc gây ra các bệnh về da. Vì vậy, người mắc nên giữ tâm lý thoải mái trong quá trình điều trị vảy phấn hồng để bệnh mau chóng được cải thiện.