Vảy nến chân mày là gì?

Đây cũng là một dạng vảy nến phổ biến trên mặt, có thể gặp ở bất kỳ ai hay trong độ tuổi nào.

Triệu chứng điển hình của vảy nến chân mày cũng tương tự như biểu hiện bệnh ở những vị trí khác trên cơ thể:

- Vùng chân mày có hiện tượng tấy đỏ, sưng nhẹ.

- Da xung quanh đóng vảy trắng bạc, bong tróc thường xuyên.

- Người mắc có cảm giác ngứa ngáy, muốn cào gãi liên tục.

Nếu không kiểm soát, tổn thương do vảy nến chân mày có thể lan xuống mắt, ra toàn bộ khuôn mặt, vừa đau rát mà còn mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Điều này khiến người mắc vô cùng tự ti, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc hàng ngày và tâm lý của họ.

Vậy đâu là nguyên nhân gây vảy nến chân mày? Mặc dù chưa có khẳng định chính xác, nhưng các nhà khoa học cho rằng, sự suy yếu, rối loạn của hệ thống miễn dịch khiến chúng xác định và tấn công nhầm những tế bào biểu bì khỏe mạnh, làm cho các tế bào này chết đi nhanh chóng, nhưng chưa kịp bong hết mà tích tụ lại, gây nên mảng sưng viêm, tróc vảy trên da. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan do mồ hôi, bụi bẩn,... hoặc chế độ sinh hoạt kém lành mạnh, hút thuốc lá, uống bia rượu thường xuyên,... sẽ khiến hệ miễn dịch bị ảnh hưởng, từ đó vảy nến chân mày có cơ hội tiến triển trầm trọng hơn.

Điều trị vảy nến chân mày như thế nào?

Với người bị vảy nến chân mày, vấn đề thẩm mỹ ảnh hưởng khá nhiều nên người mắc cần kiểm soát nhanh các triệu chứng bằng những phương pháp sau đây:

Dùng thuốc

Đây thường là lựa chọn đầu tay với người bị vảy nến nói chung và bệnh vảy nến chân mày nói riêng. Nếu các tổn thương mới chỉ khu trú tại một vùng nhất định, bạn có thể sử dụng ngay những dạng thuốc bôi ngoài chứa hoạt chất như: Anthralin, acid salicylic, nhựa than,... có khả năng cải thiện bong sừng, bạt vảy, hay tác dụng cao hơn là retinoids hàm lượng thấp, dẫn chất vitamin D sẽ giúp giảm viêm ngứa nhanh chóng hơn.

Trong trường hợp các triệu chứng vảy nến chân mày vẫn tiến triển rộng, bạn có thể sử dụng thêm thuốc uống, với các chế phẩm có khả năng chống viêm, ức chế miễn dịch, kiểm soát tình trạng bong vảy như: Methotrexate, retinoids đường uống, cyclosporine,... Nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng, những loại thuốc trên đều tiềm ẩn một số tác dụng phụ: Gây teo da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm suy giảm chức năng gan, thận,...  

Quang trị liệu

Đây được coi là liệu pháp an toàn hơn so với dùng thuốc trị vảy nến chân mày, bằng việc sử dụng chùm tia UV nhân tạo, chiếu trực tiếp vào vùng chân mày bị vảy nến, sẽ giúp giảm viêm nhanh chóng, ngăn chặn tổn thương lan rộng. Tuy nhiên, bạn cũng không thể tránh khỏi gặp phải tác dụng không mong muốn như: Sưng đỏ nặng hơn, phồng rộng, bỏng rát, tăng nguy cơ ung thư da,... Bởi vậy, bạn cũng cần cân nhắc kỹ khi áp dụng.

Chăm sóc da tại nhà

Duy trì một chế độ sinh hoạt khoa học cũng là cách giúp bạn khắc phục vảy nến chân mày nhanh chóng hơn. Cụ thể:

- Bảo vệ da mặt khi ra ngoài bằng cách đeo khẩu trang, thoa kem chống nắng,...

- Dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt là vùng chân mày, giúp cải thiện tình trạng bong vảy và ngứa ngáy tốt hơn.

- Lựa chọn các mỹ phẩm không chứa hương liệu hóa học, tốt nhất nên chọn sản phẩm đặc trị cho vảy nến nói chung và vảy nến chân mày nói riêng, hoặc có thành phần từ thiên nhiên.