Vảy cá là bệnh da liễu mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng da khô, tích tụ thành các vảy nhỏ có hình dạng như vảy cá. Hiểu biết về bệnh vảy cá sẽ giúp người mắc có phương pháp điều trị thích hợp. Cùng xem thêm những thông tin về bệnh vảy cá và giải pháp cải thiện từ thiên nhiên trong bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy cá

Triệu chứng của bệnh vảy cá phụ thuộc giai đoạn khởi phát và mức độ tổn thương da. Với những trường hợp nhẹ, triệu chứng duy nhất bạn có thể gặp phải là tình trạng da khô và nứt nhẹ như vảy cá.

Tuy nhiên, nếu tổn thương da nặng, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:

- Da khô và thô ráp.

- Tổn thương da có các vảy dày, màu trắng bạc hoặc nâu.

- Da khô và không có hiện tượng tụ mủ hay chảy nước.

- Lớp thượng bì da thường nứt ra giống hình dạng vảy cá.

- Tổn thương chỉ khu trú ở thượng bì và hầu như không ảnh hưởng đến niêm mạc.

- Triệu chứng có tính đối xứng và thường xuất hiện ở mặt duỗi của các chi.

- Một số trường hợp có thể xuất hiện tổn thương da ở kẽ tay, kẽ chân, bẹn , nách, da đầu, lòng bàn tay/ bàn chân,…

Ngoài các triệu chứng ở da, bạn cũng có thể nhận thấy một số dấu hiệu đi kèm khác như:

- Lông ít.

- Móng tay và móng chân dễ gãy.

- Tóc thưa và khô.

- Ít tiết mồ hôi.

Cách điều trị bệnh vảy cá hiện nay

Vảy cá là bệnh khá lành tính và hầu hết đều có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị. Trước tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc bôi ngoài da để loại bỏ các tế bào chết tích tụ. Chỉ khi tình trạng đáp ứng kém với thuốc điều trị tại chỗ, bác sĩ mới chỉ định thuốc uống và tiêm.

Thuốc điều trị tại chỗ

Để làm bong các vảy tế bào chết trên bề mặt da, bác sĩ có thể yêu cầu bạn pha nước tắm với thuốc tím hoặc bicarbonat natri. Các dung dịch này còn có khả năng làm mềm da và giảm tình trạng nứt nẻ.

Bên cạnh đó, có thể bôi thuốc mỡ chứa acid salicylic có nồng độ từ 2 – 3% nhằm bạt sừng và giảm quá trình bong vảy. Hoặc dùng thuốc bôi chứa vitamin A nhằm điều tiết quá trình tăng sinh tế bào sừng và loại bỏ các vảy bong tích tụ trên da.

Một số trường hợp còn được yêu cầu tắm hơi ở nhiệt độ cao (khoảng 60 độ C) nhằm kích thích cơ thể tiết mồ hôi và làm giảm tình trạng da khô đặc trưng của bệnh lý này.

Sử dụng thuốc uống

Nếu tổn thương da diễn ra trên diện rộng hoặc đáp ứng kém với các biện pháp điều trị tại chỗ, bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc uống hoặc tiêm để kiểm soát bệnh.

- Vitamin A uống/tiêm: Loại thuốc này có tác dụng hạn chế quá trình tăng sinh tế bào da, từ đó làm giảm các tế bào chết tích tụ. Tuy nhiên, vitamin A có thể làm phát sinh nhiều tác dụng phụ, vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có yêu cầu của bác sĩ.

- Vitamin E: Vitamin E có vai trò giữ ẩm và tăng sinh collagen cho làn da. Bổ sung viên uống chứa thành phần này có khả năng làm mềm và giảm khô da ở bệnh nhân bị vảy cá.