Vẩy nến là bệnh ngoài da có vẩy, dễ tái phát và cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Nguyên nhân cũng như sinh bệnh học của vẩy nến chưa rõ ràng. Gần đây, nhiều nhà khoa học cho rằng, bệnh liên quan tới rối loạn miễn dịch và có yếu tố di truyền. Do đó, nắm bắt được các yếu tố gây khởi phát và làm vẩy nến nặng thêm có thể giúp kiểm soát hiệu quả căn bệnh này.

Đặc trưng của vẩy nến là những mảng hồng ban vẩy trắng bạc, thường xuất hiện trên các nếp gấp hay vùng tỳ đè như: khuỷu tay, cánh tay, đầu gối, chân, da đầu… Các vẩy trắng có nhiều lớp, dễ bong, khi cạo vụn ra như sáp nến rơi lả tả. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân gây khởi phát bệnh vẩy nến liên quan tới rối loạn hệ miễn dịch và yếu tố di truyền (30- 40% trường hợp cha mẹ mắc vẩy nến di truyền sang con); yếu tố tâm lý (stress); nhiễm khuẩn (yếu tố này thường thấy ở trẻ em, nhất là với vẩy nến thể giọt); dùng thuốc không đúng cách (thuốc kháng sốt rét tổng hợp, corticoid)… Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm vẩy nến nặng thêm như: thời tiết (trời lạnh và khô, ánh nắng...), chế độ ăn, môi trường ô nhiễm…

Về hỗ trợ điều trị, những thuốc đường uống có thể kể đến là methotrexat, cyclosporin… tuy nhiên, các loại thuốc này có nhiều độc tính. Một số chế phẩm dạng kem bôi như retinol, retinaldehyde, tretinoin, AHAs (lactic acid, glycolic acid…), salicylic acid, resorcinol, hoặc thuốc bôi giảm viêm - dịu da như chế phẩm corticosteroid nhẹ nhằm hạn chế độc tính của thuốc uống trên. Nhưng việc bôi các thuốc này có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như da khô, đỏ, tróc vẩy, ngứa… Quang hóa trị liệu (PUVA) cũng được sử dụng trong điều trị vẩy nến tuy nhiên lại đem đến nguy cơ ung thư da cho người bệnh.