Vẩy nến, á sừng, vẩy cá, vẩy phấn trắng, vẩy phấn hồng, vẩy cám, eczema… là những bệnh ngoài da có vẩy thường gặp, khó điều trị và gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Vẩy da xuất hiện do rối loạn biệt hóa lành tính của tế bào thượng bì. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định rõ ràng nguyên nhân gây bệnh nhưng có 5 yếu tố làm nên cơ chế sinh bệnh, bao gồm di truyền - yếu tố gia đình; nhiễm khuẩn; stress; dùng thuốc gây nhiều tác dụng phụ; hiện tượng Kobner – thương tổn mọc lên sau kích thích cơ học (gãi, chà xát) hoặc kích thích lý hóa (bệnh nặng nhẹ theo mùa). Ở các bệnh vẩy da, những mảng bám dày sừng màu nhạt, hồng, đốm thường nổi cộm, sần sùi, bong tróc và ngày càng lan rộng. Bệnh “tàn phá” sắc đẹp và rất khó điều trị nên người bệnh thường tự ti, mặc cảm, dễ thu mình trong các mối quan hệ xã hội.

Dựa vào 5 yếu tố trên, để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh ngoài da có vẩy, người bệnh cần lưu ý:

- Tránh căng thẳng (stress).

- Tránh kì cọ và bóc da (hiện tượng Kobner).

- Cẩn thận khi dùng thuốc nếu mắc thêm các bệnh về tim mạch.

- Tránh nhiễm khuẩn: Đặc biệt là nhiễm khuẩn tai mũi họng.

- Tránh rượu: Vì rượu làm bệnh nặng lên và tương kị với các thuốc hỗ trợ điều trị.

- Nên lạc quan với bệnh: Những bệnh ngoài da có vẩy tương đối lành tính, do đó người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, xác định tâm lý chung sống hòa bình với bệnh.

Về điều trị, mặc dù trong những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp mới hỗ trợ điều trị toàn thân và tại chỗ bệnh ngoài da có vẩy nhưng đến nay, vẫn chưa có phương thuốc đặc hiệu nào giúp loại bỏ hoàn toàn những bệnh này. Các thuốc hay được bác sĩ chỉ định bao gồm: methotrexate, cyclosporine… Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây 1 số tác dụng phụ và bệnh dễ tái phát sau khi người bệnh dừng thuốc.