Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn có thể gây tổn thương nội tạng, nguy cơ tử vong cao. Tên của bệnh xuất phát từ tiếng latin có nghĩa là chó sói, do người bệnh thường có ban đỏ đặc trưng ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói.

 

Ảnh minh họa

Bình thường, hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...) nhưng trong lupus ban đỏ, hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ-quen. Nó chống lại chính mình bằng cách sinh ra các kháng thể chống lại tế bào của hầu hết các cơ quan.

Các triệu chứng của lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Triệu chứng bệnh hết sức đa dạng, thường nặng lên vào mùa đông. Phần lớn bệnh nhân có các biểu hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ…

Vào giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể xuất hiện các tổn thương nội tạng và thần kinh, mạch máu, thiếu máu, xuất huyết. Trong đó, 30-50% tổn thương tim mạch, 45-75% tổn thương thận, 25% biểu hiện biến chứng tâm thần kinh, 20-60% tổn thương gối. Ngoài ra, có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa, viêm gan viêm lách, sưng hạch rải rác. Các triệu chứng này thường diễn biến thành từng đợt xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Đây là bệnh rất phức tạp, mang tính chất hệ thống và có khả năng gây tử vong rất cao.

Lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được. Trong giai đoạn nặng, người bệnh cần được nghỉ ngơi, nhưng vẫn cần một chế độ vận động hợp lý để tránh teo cơ và cứng khớp. Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, ibuprofen,… có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp. Các loại corticoid chống viêm mạnh hơn nhóm trên được chỉ định trong trường hợp bệnh nặng, có tổn thương nội tạng. Tuy nhiên, các loại thuốc trên có rất nhiều tác dụng phụ như: viêm loét dạ dày tá tràng, loãng xương, rạn dạ, tăng đường máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng…