Vảy nến là bệnh mạn tính dễ tái phát, không lây, nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh. Hiện nay, thuốc tây y điều trị vảy nến có thể gây nhiều tác dụng phụ nên bệnh nhân cần thận trọng và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ.

 

Ảnh minh họa

Đối với da người bình thường, thời gian đổi mới của tế bào thượng bì là khoảng 4 tuần, nhưng đối với da của bệnh nhân vảy nến, thời gian này giảm xuống còn 4 ngày đến 1 tuần. Trên da có những mảng đỏ và nhiều lớp vảy. Vị trí bị bệnh đầu tiên thường là da đầu và vùng tỳ đè (hai cùi tay, đầu gối, da xương cùng). Trường hợp nặng, bệnh có thể xuất hiện toàn thân (như: vảy nến thể mủ, thể đỏ da toàn than, thể mảng..).

Bệnh vảy nến chiếm khoảng 2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nghiên cứu cho rằng sự bất thường về miễn dịch là nguyên nhân chính gây bệnh. Thêm vào đó, các yếu tố như: di truyền, xáo trộn sinh hóa, chấn thương tâm lý, nhiễm siêu vi trùng, sử dụng thuốc ức chế Beta để điều trị tăng huyết áp... cũng làm thúc đẩy phát sinh bệnh vảy nến.

Về hỗ trợ điều trị vảy nến, ba loại thuốc bôi được sử dụng nhiều hiện nay là thuốc mỡ Salicylic, thuốc mỡ Daivonex và thuốc mỡ Daivobet, tùy theo thể trạng bệnh mà lựa chọn loại thích hợp. Thuốc hỗ trợ điều trị toàn thân bao gồm methotrexate, cyclosporine, saulfasalazine, acitretin nhưng các loại thuốc này phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho cơ thể.

Quang hóa trị liệu hoặc chiếu tia cực tím (UVA, UVB) là cách chữa bệnh vảy nến có hiệu quả đối với những trường hợp nặng, diện tích da bị bệnh rộng (toàn thân). Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này lâu dài mà không được kiểm soát, da có thể bị đồi mồi, mau bị lão hoá và gây ung thư da. Do vậy, cần có sự thăm khám và theo dõi thường xuyên của bác sĩ điều trị.