Vảy nến là bệnh khó chữa khỏi hoàn toàn và rất dễ tái phát. Hiện nay, việc điều trị bệnh này còn nhiều vấn đề nan giải.

 

Ảnh minh họa

Rối loạn miễn dịch được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh vẩy nến. Thêm vào đó, yếu tố di truyền, nhiễm khuẩn, căng thẳng... cũng khiến bệnh khởi phát, tái phát hoặc nặng thêm. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các vẩy như nến, có thể đóng vảy thành từng lớp, hoặc nổi dát đỏ hình giống giọt nước, hoặc bầu dục, đường kính 2- 5cm, có khi thành mảng rộng do nhiều dát kết hợp lại, phủ lên trên là nhiều lớp vảy màu trắng bạc, dễ bong, nếu cạo ra sẽ thấy rướm máu lấm tấm, có lẫn cả tiết dịch bên trong (giống như những giọt sương li ti). Bệnh ở giai đoạn nặng khi da toàn thân đỏ, sưng, tróc vảy, kèm phát sốt, các khớp đau, lòng bàn chân sừng hoá, móng dày lên và rụng.

Thông thường, việc điều trị vảy nến được thực hiện theo các phương pháp như: sử dụng thuốc uống, thuốc bôi ngoài da và quang hóa trị liệu. Các thuốc giúp lột sừng, tiêu sừng mang lại hiệu quả cho bệnh nhân như: acid salicylic, AHA, các dẫn xuất của retinoid, ure, hắc ín, dầu Cade... Thuốc bôi có chứa các chất corticoid giúp thuyên giảm nhanh triệu chứng ngứa, đỏ. Hầu như tất cả các loại thuốc, từ cổ điển (asen, bismut, DDS) đến hiện đại (kháng sinh, cyclosporin, interferon, interleukin...) đều đã được sử dụng để điều trị vảy nến. Tuy nhiên, chúng chỉ mang lại kết quả không bền vững, bệnh dễ tái phát. Việc điều trị vảy nến bằng quang hóa trị liệu (PUVA), hiệu quả có thể đạt 80-90%, nhưng tỷ lệ tái phát lên đến 40% hoặc hơn… Mặt khác, tất cả các phương pháp điều trị trên đều có khả năng gây tác dụng phụ như: tổn thương gan, thận, máu, rối loạn miễn dịch, ung thư da...