Bệnh vẩy nến gây khó chịu, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh, việc hỗ trợ điều trị còn nhiều khó khăn.
Vẩy nến xảy ra do sự rối loạn của hệ miễn dịch, tức là một số tế bào miễn dịch thay vì tấn công các yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể như: vi khuẩn, virus… thì lại tác động vào chính biểu bì, khiến những tế bào này nhanh chóng bị chết đi. Một số nguyên nhân khác như: di truyền, tâm lý không ổn định, chấn thương, nhiễm khuẩn… cũng làm vẩy nến tái phát hoặc trầm trọng thêm.
Vẩy nến biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ, đóng vẩy trắng đục, có giới hạn rõ với vùng da lành và thường xuất hiện ở rìa chân tóc, da đầu, vùng tỳ đè trên cơ thể,… Các vẩy trắng có nhiều lớp, dễ bong, khi cạo vụn ra như sáp nến, sau đó, lớp khác sẽ đùn lên thay thế. Vẩy nến khiến người bệnh luôn mặc cảm, tự ti, xa lánh những người xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, giao tiếp của bệnh nhân.
Tuy không lây lan và ít gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng vẩy nến khó điều trị vì hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Trong điều trị vẩy nến, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân các thuốc uống, thuốc bôi ngoài da, nhưng hầu hết chỉ giúp cải thiện triệu chứng, bệnh dễ tái phát. Mặt khác, những thuốc này thường gây một số tác dụng phụ, đặc biệt là nhóm corticoid. Bệnh nhân mắc vẩy nến tình trạng nặng cũng có thể được áp dụng biện pháp quang hóa như chiếu tia UVB, UVA. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém chi phí và tăng nguy cơ dẫn đến ung thư da.