Vẩy nến là bệnh mạn tính, không lây lan nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân. Hiện nay, thuốc tây y điều trị vẩy nến có thể gây một số tác dụng phụ nên người bệnh cần thận trọng và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ.
Bệnh vẩy nến chiếm khoảng 2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nghiên cứu cho rằng sự bất thường về miễn dịch là nguyên nhân chính gây bệnh. Ngoài ra, các yếu tố như: di truyền, xáo trộn sinh hóa, chấn thương, tâm lý, nhiễm siêu vi trùng, sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch,... cũng thúc đẩy phát sinh bệnh.
Vẩy nến xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là những vùng tỳ đè như: khuỷu tay, lưng, mông, bụng,... trường hợp nặng có thể lan rộng toàn thân. Các vẩy trắng bong ra khi gãi và để lại một lớp dưới màu hồng, đôi khi có rớm máu.
Ảnh minh họa.
Mục đích của hỗ trợ điều trị vẩy nến là làm cho tổn thương nhanh chóng hồi phục, giảm các đợt tái phát. Các thuốc hỗ trợ điều trị hiện nay như nhóm corticoid, methotrexate, cyclosporin và retinoids giúp cải thiện triệu chứng bệnh, tuy nhiên có nhiều độc tính và tác dụng phụ như: loét dạ dày tá tràng, suy giảm chức năng gan, thận,… nên bệnh nhân cần có sự theo dõi của thầy thuốc. Giải pháp giúp giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh là ngâm mình trong nước ấm, sau đó bôi thuốc dưỡng ẩm làm mềm da. Bên cạnh đó, để vẩy nến không phát triển và lan rộng, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học: hạn chế thức khuya, căng thẳng đầu óc; hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; tránh tổn thương da; cai bia rượu, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước,...