Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được áp dụng trong điều trị vảy nến, song chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn nên dễ gây tâm lý chán nản, bi quan cho bệnh nhân. Không những thế, nhiều loại thuốc còn có các tác dụng phụ tai hại.
Vảy nến là một bệnh do rối loạn đáp ứng miễn dịch với triệu chứng chung là trên da xuất hiện những vẩy khô màu bạc hồng, tụ gọn với nhau, khi cạo ra thành các vẩy trắng như sáp nến… Vị trí thường gặp là da đầu, đầu gối, khuỷu tay và các bộ phận khác trên cơ thể. Khi chúng phát triển ở móng tay và móng chân, các vảy trở nên dày hơn, sần sùi, móng giòn vụn.
Do vảy nến là bệnh tự miễn nên việc hỗ trợ điều trị gặp rất nhiều khó khăn, bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, gây tâm lý chán nản cho bệnh nhân. Mặt khác, một số thuốc có hiệu quả với trường hợp này nhưng không hiệu quả với trường hợp kia. Nếu bệnh nặng, thương tổn xuất hiện toàn thân, thường rất khó điều trị, bệnh có thể thuyên giảm rồi lại tái phát. Hiện nay, có 2 phương pháp chính hỗ trợ điều trị vảy nến bằng thuốc, bao gồm:
- Hỗ trợ điều trị tại chỗ: Dùng các loại thuốc có tác dụng lột sừng, tiêu sừng như acid salicylic, AHA, dẫn xuất của retinoid, ure, hắc ín, dầu cade... Thuốc bôi có chứa corticoid giúp giảm nhanh các triệu chứng ngứa, đỏ, nhưng khi ngừng thuốc thì bệnh rất dễ tái phát và có thể nặng hơn, vì vậy nên hạn chế dùng.
- Hỗ trợ điều trị toàn thân: dùng vitamin A liều cao hay dapson, methotrexat, cyclosporin, vitamin D… Cũng không nên lạm dụng corticoid toàn thân vì có nhiều tác dụng phụ và dễ đưa đến biến chứng đỏ da toàn thân.