Vảy nến là bệnh ngoài da mạn tính, hay tái phát và chưa có thuốc đặc trị. Bệnh khiến người mắc lo lắng vì có thể  di truyền đến thế hệ sau.

 

 

Ảnh minh họa

Vảy nến có đặc trưng là những mảng hồng ban có vảy trắng bạc, dính, ngứa, thường xuất hiện ở những vị trí tì đè như khuỷu tay, đầu gối, chân, da đầu, trường hợp nặng có thể lan ra toàn cơ thể... Vảy nhiều tầng, dễ bong, khi cạo vụn ra như nến rơi lả tả. Vảy tái tạo rất nhanh, số lượng nhiều, gây mất thẩm mỹ, ngứa ngáy khó chịu cho bệnh nhân.

Các chuyên gia cho rằng, vảy nến thuộc nhóm bệnh tự miễn, trong đó một số yếu tố liên quan đến bệnh sinh vảy nến bao gồm: Yếu tố tâm lý (căng thẳng thần kinh); Nhiễm khuẩn; Một số loại thuốc (thuốc kháng sốt rét tổng hợp, lithium, corticoid…). Còn về yếu tố di truyền, đã có bằng chứng rõ rệt rằng bệnh thường gặp hơn ở những người có cha hoặc mẹ bị vảy nến. Cụ thể: nếu cha hoặc mẹ bị vảy nến thì tỉ lệ mắc bệnh ở con là 8,1%; nếu cả hai cha và mẹ bị vảy nến thì tỉ lệ mắc bệnh ở con là 41%.

Hiện nay, mục đích của điều trị là làm cho tổn thương nhanh chóng hồi phục, kéo dài khoảng thời gian lành bệnh, hạn chế các đợt tái phát. Thông thường, có những phương thức sau:

- Thuốc bôi ngoài da: Loại Corticosteroids như ultravate, tenovate, psorcon; Loại Donovex thuộc nhóm vitamin A analog; Loại Topical Retinoid như tazorac; Nhóm Coal Tar; Acid Salycylic 5%, dầu hắc ín, dithranol, calcipotriol, tazanotene; tùy theo mức độ bệnh mà lựa chọn thuốc phù hợp.

- Hỗ trợ Điều trị toàn thân với methotrexate, cyclosporine, saulfasalazine, acitretin. Các loại thuốc này phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi vì chúng khá độc, có thể gây ra các tác dụng phụ và làm tình trạng bệnh nặng hơn.

- Trị liệu ánh sáng như chiếu tia UVB, PUVA có hiệu quả đối với những trường hợp vảy nến trên diện rộng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ung thư da nên cần hết sức thận trọng.