Bệnh vẩy nến là do sự rối loạn điều tiết tạo nên một màng ngăn bám chặt trên da. Màng bám này sản sinh tế bào nhanh gấp 10 lần so với bình thường rồi chết. Nhưng thay vì mất đi như tế bào chết bình thường thì nó nổi lên thành từng vẩy trắng.
Bệnh này trước đây thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh phong. Ở Việt Nam, bệnh được GS Đặng Vũ Hỷ đặt tên là “vảy nến” từ năm 1956. Mặc dù cho tới nay người ta đã hiểu được bệnh nhưng vẫn chưa có một cơ chế điều trị đặc hiệu nào.
Bà Trần Thị Bạch Liên (76 tuổi) ở 175, tổ 2, TT Chùa Hang, H.Đồng Hỷ, T. Thái Nguyên bị bệnh vẩy nến từ khoảng năm 1980, khoảng thời gian sau đó, bệnh tình có thuyên giảm. Nhưng, cách đây khoảng 6 đến 7 năm, khi bước sang tuổi 70, thì bà lại thấy xuất hiện trở lại nốt mẩn đỏ trên da, cảm giác ngứa, rát. Các nốt xuất hiện cả ở lòng bàn chân, bàn tay làm cho da căng lên, sau một thời gian thì bong tróc như người bị lột từng lớp da. Cứ thế lớp này bong, lớp kia lại mọc, da sùi lên từng mảng….Có thời gian dài bệnh phát, vảy mọc khắp người, cả trong lỗ tai, lỗ mũi gây ngứa ngáy, khó chịu, trên da có những mảng như vết bỏng lửa….
Ảnh minh họa
PGS.TS Phạm Văn Hiển, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam cho biết, vảy nến thường gặp ở vùng da đầu, rìa chân tóc, đầu gối, cùi chỏ, xương cụt, mặt duỗi cẳng chân, đôi khi xuất hiện rải rác khắp cơ thể hoặc những chỗ va chạm, chầy xước. Ở móng chân đôi khi bị dày lên, lồi lõm, chẻ móng. Vùng âm hộ và quy đầu đôi khi cũng mắc bệnh này. Bệnh xuất hiện từ từ, tồn tại một thời gian rồi thuyên giảm. Sau đó bệnh tái phát, nhất là khi có chấn thương da, cháy nắng, viêm, dị ứng thuốc. Khi khỏi, bệnh không để lại sẹo và ở trên đầu tóc vẫn mọc, duy chỉ có điều bệnh hay tái phát, khỏi rồi lại mắc.