Vảy nến da đầu là một bệnh da liễu mạn tính, chiếm tới 3% dân số. Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, bệnh nhân vảy nến chiếm hơn 60% tổng số trường hợp điều trị nội trú và 80% trong số đó bị tổn thương da đầu.

 

 

Ảnh minh họa

 

Nguyên nhân mắc bệnh vẩy nến là do cơ thể bị rối loạn miễn dịch. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: di truyền, bệnh lý toàn thân, gan mật, chuyển hóa, stress tinh thần, rối loạn đáp ứng miễn dịch cơ thể…

Dấu hiệu đặc trưng của vảy nến da đầu là tróc vảy, sưng đỏ từng vùng có ranh giới rõ ràng, thường ở dọc mép tóc, trên trán hoặc sau tai…. Bệnh vảy nến da đầu nếu không được hỗ trợ điều trị sẽ thường làm xuất hiện các miếng vảy màu trắng bạc và bóng. Ngoài ra, nếp gấp của sụn vành tai (sau tai) cũng bị ảnh hưởng. Bệnh thường không đe dọa tính mạng nhưng làm cho người bệnh có tâm lý tự ti, ngại ra chỗ đông người, hòa nhập cộng đồng khó khăn, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống.

Để hỗ trợ điều trị bệnh, bác sĩ thường kê đơn các thuốc mỡ bôi ngoài (acid salicylic, viatamin A, vitamin D3….) để làm ẩm da, giảm viêm, ngứa. Tuy nhiên, nếu bôi nhiều và rộng có thể gây nhiễm độc. Đặc biệt với vẩy nến da đầu, việc bôi thuốc rất khó khăn do vướng tóc. Thuốc uống thường được bác sĩ chỉ định là các thuốc ức chế miễn dịch như: Methotrexat, Cyclosporin….. Đa số bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc đều cảm thấy mệt mỏi, các triệu chứng giảm được một thời gian ngắn, sau đó lại tái phát nhiều hơn. Phương pháp quang và quang hoá liệu pháp có thể được áp dụng cho bệnh nhân vảy nến dai dẳng.