Chitosan là dẫn xuất của chitin – một polysaccharid có nhiều trong vỏ của các loài giáp xác. Chitosan có khả năng tạo thành màng mỏng, kết hợp với nước, chất béo, ion kim loại, có tính kháng khuẩn… vì vậy chitosan được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực  khác nhau, đặc biệt là trong dược phẩm, mỹ phẩm.

Chitosan đã được các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về tác dụng trị bỏng, làm lành vết thương. Kết quả cho thấy chitosan có khả năng cầm máu, kích thích tái tạo mô và biểu mô, làm chóng liền vết thương … Một số nghiên cứu ghi nhận màng đắp vết thương (bỏng) có sự kết hợp của chitosan và muối bạc thể hiện tác dụng rất tốt trong sự kiểm soát tốc độ trao đổi hơi nước, oxy và khả năng hút nước. Chitosan cũng thúc đẩy sự di chuyển của bạch cầu trung tính vào ổ viêm tăng; làm tăng hoạt động của đại thực bào dẫn đến việc giải phóng ra chất trung gian hóa học và sự thực bào các yếu tố bên ngoài, do đó đóng vai trị quan trọng trong cơ chế của việc làm lành vết thương. Như vậy, chitosan là vật liệu rất tốt trong việc bảo vệ và điều trị vết thương

Chitosan tạo màng gel trong môi trường acid dạ dày, màng này sẽ giúp bảo vệ niêm mạc dưới tác dụng của các tác nhân gây loét dạ dày. Bên cạnh đó, chitosan còn có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn vì vậy chitosan ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, trong đó có  chủng Helicobacter pylori – được xem là một trong những tác nhân quan trọng gây loét dạ dày-tá tràng

Một số tác giả cho rằng cả chitosan và chitin đều có tác động giảm đau. Tác dụng giảm đau của chitosan được cho là do sự hấp thu các ion proton được giải phóng nhờ nhóm amino tự do, vì vậy làm giảm pH ở khu vực bị viêm và giúp giảm đau.

Chitosan có khả năng kết hợp với nước và chất béo cao. Sự hấp thu chất béo của chitosan từ 170-315%. Như vậy, chitosan có tác dụng làm giảm cân, giảm cholesterol bằng cách gắn kết với cholesterol và các thành phần lipid khác hiện diện trong đường tiêu hóa, vì vậy chitosan giúp ngăn chặn sự hấp thu chất béo vào máu.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái ngược về việc sử dụng chitosan để giảm cân, giảm cholesterol vì hiệu quả dao động đáng kể ở các đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, chitosan có thể gây táo bón, giảm sự hấp thu của một số vitamin (A, D, E, K) và gây dị ứng ở một số trường hợp. Vì vậy, trước khi sử dụng chitosan để giảm cân, kiểm soát cholesterol trong máu, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.