Trả lời: Cảm ơn bạn Đăng Hiếu đã gửi câu hỏi. Xin chia sẻ với bạn, vảy phấn hồng cũng là một bệnh ngoài da thường gặp hiện nay. Để cải thiện tình trạng bệnh, sẽ có một số nhóm thực phẩm mà bạn nên hạn chế. Tuy nhiên, trước khi giải đáp thắc mắc, chúng tôi xin cung cấp những thông tin quan trọng dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng mình đang gặp phải.
Bệnh vảy phấn hồng là gì?
Vảy phấn hồng là các tổn thương ngoài da thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 10 – 35, tình trạng này nằm trong nhóm bệnh vảy da như: Vảy nến, vảy phấn trắng, vảy phấn hồng, á sừng, chàm,… Tuy vảy phấn hồng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó thường gây ngứa ngáy, khó chịu, do đó, mục đích của việc điều trị chủ yếu là giúp giảm triệu chứng này và phòng ngừa tái phát.
Vảy phấn hồng gây các phát ban da màu đỏ, ban đầu thường có hình tròn, bầu dục lớn đến 10cm trên ngực, bụng hoặc lưng. Nếu không được điều trị, những tổn thương da có thể lan rộng khắp cơ thể, gây ra các đốm phát ban màu đỏ có đường kính từ 0,5 cm – 1,5 cm và mọc ở mặt, bàn tay, bàn chân, thậm chí là toàn thân. Các phát ban này gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau khớp, sốt một vài ngày trước khi có tổn thương da ban đầu.
Nguyên nhân gây bệnh vảy phấn hồng là do đâu?
Hiện nay, nguyên nhân gây vảy phấn hồng chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia tin rằng, nó liên quan đến nhiễm virus, đặc biệt là một số dạng herpes như HHV6, HHV7.
Ngoài ra, nhiều người có tiền sử mắc bệnh lao, nấm mốc, nhiễm virus, nhiễm trùng,… có nguy cơ cao bị vảy phấn hồng. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi đột ngột cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Tiếp xúc với môi trường độc hại, không khí ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ mắc vảy phấn hồng ở một số người.