Chào bạn.
Rất nhiều người, sau khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình bị mắc bệnh vẩy phấn hồng đã tỏ ra hốt hoảng, lo âu. Và nhất là khi được giải thích là bệnh không rõ nguyên nhân, thì họ lại càng muốn biết... nguyên nhân! thực ra thì bệnh rất nhẹ và có thể tự lành.
Bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi, da dẻ hồng hào, do đó họ rất lo lắng khi thấy trên người mình xuất hiện những vùng da khác thường có vẩy nhỏ và… hơi hồng hồng. Bệnh thường gặp vào mùa thu hoặc mùa xuân, nhưng những mùa khác cũng không ngoại lệ.
Điều quan tâm đầu tiên của bệnh nhân có thể là một mảng da hình bầu dục, nhỏ bằng móng tay út, thường ở bụng hoặc thắt lưng trông rất giống lang ben. Sau vài ngày, có thể xuất hiện thêm một số “bạn bè”, ở ngực hoặc cánh tay, đùi… làm hình ảnh có vẻ ấn tượng hơn. Trên bề mặt của mảng da đó, có thể có ít vẩy, như một miếng da khô. Các mảng da này thường có hình bầu dục và xếp xuôi theo các xương sườn, từ bả vai xuống dưới lưng quần, tạo nên một hình ảnh rất lãng mạn mà các bác sĩ gọi là “cây thông Noel”. Nếu bạn thấy được “cây” này thì xem như bạn đã đoán ra bệnh của mình hơn 80% rồi. Bệnh thường không ngứa, nhưng cũng có những trường hợp “cá biệt” gây ngứa nhiều với những mẫn đỏ như mề đay.
Thường thì bệnh tự lành trong vòng 6-8 tuần. Khi lành không để lại sẹo, có thể còn lại những vết thâm da một thời gian, tuy nhiên sau đó sẽ mất đi.
Điều lo lắng nhất của bệnh nhân là nhầm lẫn với vẩy nến. Bệnh vẩy nến dày hơn, có vẩy nhiều hơn. Vẩy xếp lớp, màu trắng, dể bong như đèn cầy (nến). Ngoài ra còn có một số bệnh khác có biểu hiện giống vẩy phấn hồng là giang mai, vẩy phấn đỏ chân lông, phát ban do nhiễm siêu vi và nấm da…
Mặc dù bệnh rất “hiền” và có thể tự lành, tuy nhiên bạn cũng nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Trong trường hợp cần thiết sẽ được hướng dẫn điều trị các triệu chứng ngứa hoặc bong vẩy… một cách thích hợp. Và đặc biệt là để loại trừ những bệnh nguy hiểm hơn và để… bớt lo hơn!
Chúc bạn sức khỏe.
Chuyên gia da liễu