Chào bạn Ngọc Minh!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. “Bệnh vảy nến có lây không” là một trong những thắc mắc được rất nhiều người quan tâm. Để tháo gỡ sự lo lắng của bạn, hãy tìm hiểu một số thông tin sau:
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến
Nguyên nhân gây vảy nến hiện nay chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng, bệnh do sự rối loạn của hệ miễn dịch và các yếu tố nguy cơ tác động.
Thông thường, hệ thống miễn dịch có chức năng phát hiện và tấn công các tế bào lạ như virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nhưng ở người bị vảy nến, hệ miễn dịch suy yếu sẽ tấn công tế bào biểu bì da khỏe mạnh, làm tăng sinh liên tục và chết đi nhanh chóng (3 – 4 ngày so với 28 – 30 ngày như bình thường), điều này gây nên các tổn thương da đỏ, có vảy trắng kèm theo ngứa ngáy.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ như: Uống rượu bia quá mức, hút thuốc lá, lười vận động, béo phì, yếu tố di truyền, trầy xước da, sử dụng một số loại thuốc,… cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh vảy nến hoặc khiến cho các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.
Bệnh vảy nến có lây không?
Tuy là bệnh ngoài da nhưng như phân tích ở trên, vảy nến xảy ra do sự rối loạn của hệ miễn dịch chứ không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG LÂY từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc cơ thể và quan hệ tình dục. Do đó, bạn Ngọc Minh có thể hoàn toàn yên tâm. Đừng xa lánh mà hãy quan tâm, động viên đồng nghiệp của mình vượt qua bệnh. Điều này giúp tâm lý của người bạn đồng nghiệp thoải mái, từ đó cải thiện vảy nến tích cực hơn.
Tuy không lây nhưng nếu vảy nến không được điều trị sớm, bệnh có thể lan rộng ra khắp cơ thể chỉ từ một vị trí ban đầu. Do đó, người đồng nghiệp của bạn cần có phương án khắc phục hợp lý để tránh lây lan và ngăn ngừa các biến chứng. Ngoài ra, bệnh này có yếu tố lịch sử gia đình và di truyền: Nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến thì nguy cơ con mắc bệnh là 8%, nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh thì nguy cơ con mắc vảy nến là 41%.