Bệnh vảy nến da đầu và eczema tại vị trí này đều gây những tổn thương nghiêm trọng với một số biểu hiện tương tự nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Vậy làm sao để phân biệt về hai tình trạng này nhằm đưa ra các biện pháp cải thiện hiệu quả, an toàn nhất? Mời bạn tham khảo ngay bài viết sau để có câu trả lời!
Vảy nến da đầu là bệnh gì? Bị eczema là như thế nào?
Vảy nến da đầu là một bệnh tự miễn thường gặp, xuất hiện ở một số vị trí trên da đầu, nhưng đôi khi lan rộng xuống trán, ra sau tai và cổ. Khi gặp phải tình trạng này, da đầu thường đóng vảy trắng bạc, bong tróc, có khi tấy đỏ.
Còn với eczema (hay còn gọi là chàm) - đây là một bệnh viêm da dị ứng phụ thuộc vào sự thay đổi của môi trường hoặc các yếu tố trong cơ thể, gây tạo vảy, ngứa rát, có khi nổi mụn nước li ti trên nhiều vùng cơ thể, kể cả da đầu.
Cả hai bệnh lý này đều gây những tổn thương với mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và cuộc sống của người mắc.
Làm sao để phân biệt bệnh vảy nến và eczema trên da đầu?
Nếu quan sát kỹ, những biểu hiện của vảy nến da đầu và eczema có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể:
Vảy nến da đầu: Đặc trưng bởi các mảng da khô, đỏ, đóng vảy dày, trắng bạc nhìn như gàu, nhiều khi gây nứt nẻ, chảy máu; Có cảm giác ngứa ngáy, đôi khi đau rát (kể cả lúc không cào gãi); Một số trường hợp còn xuất hiện tình trạng sưng đau, cứng khớp.
Bệnh eczema trên da đầu: Triệu chứng nhận biết của tình trạng này chính là da đầu tiết nhiều chất nhờn, cũng xuất hiện những mảng đóng vảy, ngứa rát, có thể lan xuống tai. Bên cạnh đó, ở những vùng đã lành tổn thương dễ bị thay đổi màu da.
Mặc dù có các triệu chứng viêm da mạn tính tương tự nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh vảy nến và eczema da đầu có sự khác biệt đáng kể.
Mặc dù chưa có thông tin rõ ràng về việc bệnh vảy nến hình thành do đâu nhưng nhiều tài liệu cho rằng, rối loạn miễn dịch là yếu tố hàng đầu. Các tế bào miễn dịch nhận diện sai những mô biểu bì khỏe mạnh, tấn công chúng; Dẫn đến việc sản xuất quá mức trong thời gian ngắn, tích tụ lại, xếp chồng lên nhau tạo thành các mảng dày, đóng vảy, gây ngứa ngáy khó chịu trên da đầu của bạn. Ngoài ra, tồn tại một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn: Di truyền, tổn thương ngoài da, nhiễm khuẩn, căng thẳng, lo âu, tác dụng phụ của một số thuốc, sử dụng chất kích thích,...
Trong khi đó, nguyên nhân gây nên bệnh eczema da đầu là bởi sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn, khiến lượng dầu tự nhiên được tạo ra nhiều, thậm chí xuất hiện cả trên mặt, tai, lưng, bụng,... Hơn nữa, bệnh lý này cũng có thể hình thành do một phản ứng miễn dịch chống lại nấm men Malassezia (tuy nhiên cũng chưa có kết luận rõ ràng về lý do này). Các triệu chứng của bệnh chàm có thể được kích hoạt hoặc trở nên tồi tệ hơn bởi một số yếu tố sau đây: Thời tiết lạnh, khô, chấn thương, thay đổi nội tiết tố, chất tẩy rửa mạnh, mỹ phẩm có cồn, thuốc chứa psoralen, lithium hoặc interferon,...
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến da đầu và eczema hiện nay
Bệnh eczema và vảy nến trên da dầu đều là những bệnh da liễu khá nghiêm trọng nhưng đều chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Do triệu chứng và nguyên nhân của hai tình trạng này có sự khác biệt nên các biện pháp điều trị cũng không giống nhau (mặc dù đều tập trung vào việc cải thiện triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa tái phát).
Đối với eczema da đầu
Mục đích chính để cải thiện bệnh là giảm ngứa, viêm và bong tróc da đầu. Điều này có thể được thực hiện với sự trợ giúp của dầu gội trị gàu, thuốc mỡ, thuốc xịt và kem bôi có chứa các thành phần như: Kẽm, nhựa than, axit salicylic, ketoconazole, resorcinol, selen sulfur.
Trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bạn cũng có thể sử dụng những loại thuốc corticosteroid, sulfacetamide natri, ciclopirox để hạn chế tổn thương lan rộng.
Đối với bệnh vảy nến da đầu
Trường hợp có những biểu hiện nhẹ, cách cải thiện nhanh chóng là sử dụng các sản phẩm kem bôi, gel, dầu gội có khả năng bong sừng, bạt vảy, làm sạch da có chứa: Axit salicylic, nhựa than, bên cạnh đó là calcitriol, calcipotriene, tazarotene, anthralin, corticoid hàm lượng thấp.
Với những tổn thương từ trung bình đến nặng, bạn có thể cần sử dụng hoạt chất mạnh hơn, có khả năng ức chế miễn dịch như: Cyclosporine, etanercept, infliximab, adalimumab, methotrexate, acitretin, golimumab,... bằng đường uống hay tiêm.
Bạn cũng có thể trải qua điều trị bằng phương pháp ánh sáng nhờ tia laser, UV nhằm hạn chế tổn thương trên da đầu nhanh chóng.
Trên thực tế, các biện pháp dùng thuốc tuy đạt được hiệu quả nhất định trong đợt cấp nhưng đều có thể gây nên những tác dụng phụ khác trên gan, thận, chuyển hóa; Hoặc như quang trị liệu cũng dẫn tới kích ứng da đầu khiến bỏng rát, phồng rộp. Vì vậy, tùy tình trạng và mức độ bệnh mà bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia và lựa chọn cách chữa phù hợp.
Đồng thời, ở cả hai bệnh lý này, việc thay đổi một lối sống khoa học sẽ giúp ngăn ngừa tái phát và mức độ biểu hiện bớt nghiêm trọng hơn. Bạn hãy tham khảo một số lời khuyên dưới đây:
- Tránh cào gãi nhiều gây xây xát, nhiễm khuẩn thứ phát.
- Gội đầu bằng nước ấm giúp thư giãn da đầu tốt hơn, lựa chọn kỹ và tránh các thành phần gây kích ứng.
- Tích cực bổ sung rau xanh, trái cây, uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để giảm khô da.
- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế lo âu, căng thẳng.
- Ngừng hút thuốc lá, dùng rượu, bia,...
- Tập luyện thể thao tối thiểu 30 phút/ngày giúp tăng cường sức khỏe toàn diện.
Minh Anh