Bệnh vảy nến có chữa được không là nỗi băn khoăn của nhiều người. Nhất là khi tình trạng này thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay, tiêm sinh học được biết đến là phương pháp mới trong điều trị vảy nến. Vậy phương pháp này có mang tới hy vọng cho người bệnh, giúp chữa khỏi được bệnh vảy nến hay không? Hãy tìm lời giải đáp trong bài viết sau!

Vảy nến là bệnh gì?

Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến khoảng 125 triệu người trên thế giới. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến da nhưng không ít trường hợp còn bị tác động đến móng và khớp.

Vảy nến có nhiều loại khác nhau, dưới đây là một số thể bệnh phổ biến:

- Vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám): Đây là loại vảy nến phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 80% người mắc. Bệnh gây ra các mảng bám tổn thương da màu đỏ, đường kính từ 2 – 20 cm, có viền ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh. Trên bề mặt tổn thương xuất hiện lớp vảy trắng. Bệnh thường xuất hiện tại các vị trí tì đè như: Khuỷu tay, đầu gối, da đầu,…

- Vảy nến thể giọt: Da có tác tổn thương nhỏ như giọt nước với đường kính tổn thương khoảng 2 – 20 mm. Tổn thương đỏ, sưng viêm và có vảy trắng. Loại bệnh này thường xuất hiện ở cánh tay, chân hoặc lan rộng ra lưng, bụng.

- Vảy nến thể mủ: Da ở bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân nổi lên các đám mụn có đầu mủ trắng, gây đau đớn. Mụn có thể vỡ ra gây bội nhiễm nên người mắc cần thận trọng.

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Đây là thể vảy nến hiếm gặp và nguy hiểm nhất. Da sẽ bị đỏ rộp và nóng rát, người mắc có thể sốt, ớn lạnh, rối loạn nhịp tim,… và cần được cấp cứu y tế ngay lập tức.

- Vảy nến đảo ngược: Tổn thương đỏ tươi, mịn, không có vảy xuất hiện ở vùng lõm của cơ thể như: Nách, háng, nếp gấp da, bộ phận sinh dục,…

Ngoài ra, vảy nến có thể tấn công khớp, khiến khớp bị sưng, tấy đỏ và đau; Tấn công móng gây biến dạng, đổi màu móng.

Tìm hiểu về phương pháp tiêm sinh học

Bệnh vảy nến có liên quan đến hệ miễn dịch với vai trò của tế bào T, các yếu tố kích hoạt (thuốc, virus, vi khuẩn…), yếu tố về gen, các cytokine… Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng rối loạn sự phát triển của tế bào sừng và phản ứng viêm. Do đó, để điều trị vảy nến cần ngăn chặn phản ứng miễn dịch để làm hạn chế sự tăng nhanh tế bào da.

Thuốc sinh học (biological drugs) là loại thuốc được điều chế từ protein. Nó là các thành phần của cơ thể sống hoặc là sản phẩm được tạo ra từ cơ thể sống. Tác dụng chính của thuốc là cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến bằng cách tác động đến hoạt động miễn dịch liên quan đến vảy nến. Một số thuốc tiêm sinh học nhắm đến tế bào T. Sự tác động này giúp ngăn chặn protein phát triển trong hệ thống miễn dịch.

Một số loại thuốc sinh học thường được sử dụng có thể kể đến như:

Interleukin-12 và -23

Interleukin-12 (IL-12) và interleukin-23 (IL-23) là 2 trong số các protein mà cơ thể tạo ra như là một phần của phản ứng miễn dịch. Chúng có liên quan đến các triệu chứng bệnh vảy nến. Ngăn chặn sự hoạt động của các protein này có thể làm giảm tình trạng viêm do vảy nến.

Interleukin-17A

IL-17A là một protein khác xuất hiện, kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch có thể dẫn đến bệnh vảy nến. Ngăn chặn điều này cũng có thể phòng ngừa khả năng bùng phát vảy nến. Ví dụ về việc tiêm vảy nến được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê chuẩn có tác dụng ngăn chặn IL-17A bao gồm: Ixekizumab và brodalumab.

Bệnh vảy nến có chữa được không nếu dùng phương pháp tiêm sinh học?

Nhiều người thắc mắc: Bệnh vảy nến có chữa được không nếu dùng phương pháp tiêm sinh học? Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc chữa vảy nến khỏi hoàn toàn. Vì vậy, dù là tiêm sinh học hay bất kỳ phương pháp nào cũng chưa thể giúp chữa khỏi được bệnh vảy nến. Tuy nhiên, thuốc tiêm sinh học đang chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh từ trung bình đến nặng. Tiêm thuốc ức chế TNF-alpha cũng có thể giúp giảm tổn thương khớp lâu dài ở người mắc viêm khớp vảy nến.

Mặc dù có những ưu điểm nhất định nhưng phương pháp tiêm sinh học chỉ có thể áp dụng ở một số đối tượng nhất định. Nếu không sử dụng đúng đối tượng, đúng liều lượng và tình trạng bệnh thì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hại cơ thể như: Nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đường tiết niệu, đau đầu, các triệu chứng giống cúm, phản ứng tại chỗ tiêm, như đỏ, sưng hoặc khó chịu. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có thể xuất hiện các tình trạng như giảm bạch cầu, nhiễm trùng nặng, suy gan,...

Khải Hưng