Vẩy nến là bệnh ngoài da mạn tính, dễ tái phát và chưa có loại thuốc điều trị dứt điểm. Bệnh khiến người mắc lo lắng vì nguy cơ di truyền đến thế hệ sau.

Yếu tố di truyền trong bệnh vảy nến

Bệnh vẩy nến đặc trưng là những mảng hồng ban có vẩy trắng bạc, ngứa, nhiều tầng, dễ bong, khi cạo vụn ra như nến rơi lả tả. Bệnh thường xuất hiện trước tiên ở da đầu và những vị trí tì đè như khuỷu tay, đầu gối, chân, trường hợp nặng có thể lan ra toàn cơ thể,...

Các chuyên gia cho rằng, vẩy nến thuộc nhóm bệnh tự miễn, trong đó một số yếu tố liên quan đến bệnh sinh vẩy nến bao gồm: Yếu tố tâm lý (căng thẳng thần kinh); Nhiễm khuẩn; Một số loại thuốc; Môi trường ô nhiễm; Hóa chất độc hại,… Còn về yếu tố di truyền, đã có bằng chứng rõ rệt rằng bệnh thường gặp hơn ở những người có cha hoặc mẹ bị vẩy nến. Cụ thể: Nếu cha hoặc mẹ bị vẩy nến thì tỉ lệ mắc bệnh ở con là 8,1%; nếu cả cha và mẹ bị vẩy nến thì tỉ lệ mắc bệnh ở con là 41%.

Về điều trị vẩy nến thường kết hợp cả thuốc bôi ngoài da và thuốc hỗ trợ điều trị toàn thân. Thuốc bôi ngoài da là những thuốc có chứa acid salicylic, viatamin D3, viatamin A có tác dụng chống viêm, chống ngứa, ức chế tăng sinh tế bào sừng. Các thuốc hỗ trợ điều trị toàn thân bao gồm thuốc hỗ trợ điều trị miễn dịch và ức chế miễn dịch nhưng những thuốc này phải được kê đơn và theo dõi vì chúng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Quang hóa trị liệu hoặc chiếu tia cực tím (UVA, UVB) là cách chữa bệnh vẩy nến có hiệu quả đối với những trường hợp nặng, diện tích da bị bệnh rộng (toàn thân). Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này lâu dài mà không kiểm soát, da có thể bị đồi mồi, mau bị lão hoá và gây ung thư da.